Hiệu quả giảm nghèo ở vùng biên giới Tuy Đức
Đắk Nông - Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo bền vững, mang lại diện mạo tươi sáng cho người dân nơi đây.
Nông nghiệp làm nền tảng phát triển
Tuy Đức là huyện biên giới, với diện tích hơn 111.924ha, dân số 67.100 người, là nơi sinh sống của 23 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%. Cơ cấu lao động chủ yếu tập trung vào nông lâm, thủy sản (75%).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Đức đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể, tạo tiền đề cho một hành trình phát triển dài hạn và bền vững.
Năm 2024, huyện Tuy Đức đã đạt được thành tích đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo.
Đến nay, toàn huyện còn 1.699 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 9,94%; giảm 1.432 hộ, chiểm tỉ lệ 8,84% so với năm 2023. Trong đó, hộ dân tộc thiểu số 1.292 hộ, chiếm tỉ lệ 18,67%. Hộ dân tộc thiểu số tại chỗ là 663 hộ, chiếm tỉ lệ 18,94%...
Những thành quả này là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các chính sách giảm nghèo trên mọi mặt ở địa phương.
Trong đó, huyện Tuy Đức đã tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, địa phương còn chú trọng triển khai các chương trình đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất và cung cấp công cụ sản xuất phù hợp.
Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Chiến (37 tuổi, trú tại xã Quảng Tâm) chia sẻ, cuộc đời anh từng gắn liền với những ngày tháng vất vả. Với vài sào cà phê, gia đình anh phải chật vật kiếm sống. Thậm chí, có những lúc gia đình phải chạy ăn từng bữa.
Ngoài công việc trên nương, anh còn làm đủ nghề để trang trải cuộc sống, từ phụ hồ, xây nhà cho đến làm vườn...
Tuy nhiên, một bước ngoặt đã đến khi anh được chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện tham gia khóa học nghề hàn xì miễn phí.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, anh đã nhanh chóng nắm vững những kỹ năng cơ bản và sở hữu chứng chỉ học nghề trong tay.
Với đôi bàn tay khéo léo, anh nhận được nhiều công việc như hàn cửa, hàng rào, thậm chí là mái nhà... Từ đó, cuộc sống của anh dần ổn định hơn.
"Ngày xưa, tôi sống rất vất vả. Nhưng giờ đây, nhờ nghề hàn, cuộc sống của tôi đã đổi khác. Tôi cảm thấy biết ơn những cơ hội mà chính quyền đã mang đến" - anh Chiến chia sẻ.
Tạo nền tảng vững chắc cho người dân phát triển
Mặc dù là huyện biên giới, nhưng đến nay, hệ thống hạ tầng ở huyện Tuy Đức ngày càng được hoàn thiện đồng bộ.
Những công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa được đầu tư bài bản mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho người dân địa phương. Đây cũng là những bước đi vững chắc, giúp huyện biên giới Tuy Đức xây dựng nền móng cho một tương lai phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Anh - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho biết: “Chúng tôi tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ thiết thực, đặt trọng tâm vào các vùng biên giới và các bon làng đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu của huyện không chỉ là giúp người dân thoát nghèo mà còn tạo nền tảng vững chắc để họ phát triển kinh tế một cách bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Giảm nghèo bền vững không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn phải trao cho người dân công cụ và kiến thức để họ tự vươn lên trong cuộc sống”.
Theo ông Anh, để hiện thực hóa mục tiêu này, chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Các chương trình như đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, cung cấp giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao, vay vốn ưu đãi... đã được triển khai rộng khắp.
Huyện cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các vùng khó khăn, từ xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi cho đến hỗ trợ điện sinh hoạt.
"Những công trình này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân giao thương, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống" - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Anh cho biết thêm.