A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xoá hàng trăm nhà tạm, dột nát cho người nghèo ở Tuyên Quang

Trong hơn 2 năm qua hàng trăm ngôi nhà tạm, nhà dột nát được xoá bỏ mang lại hy vọng về một cuộc sống mới cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Xoá hàng trăm nhà tạm, dột nát cho người nghèo ở Tuyên Quang

Những căn nhà dột nát của người nghèo tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang được xây mới theo tiêu chí "3 cứng". Ảnh: Văn Tùng

Nhiều năm trước, nơi ở của cả gia đình anh Ma Phúc Dùng, dân tộc Tày, một trong những hộ nghèo của thôn Nà Mè, xã Quang Minh (huyện Lâm Bình) chỉ là ngôi nhà xiêu vẹo. Mỗi khi trời mưa cả căn nhà lại bị dột.

Nhận thấy khó khăn của gia đình anh Dùng, chính quyền các cấp cùng với người dân quyên góp số tiền 50 triệu đồng để dựng lại ngôi nhà gỗ 3 gian, rộng hơn 50m2.

Đó chỉ là 1 trong số gần 400 căn nhà tạm, nhà dột nát của các hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn được huyện Lâm Bình hỗ trợ sửa chữa, làm mới trong hơn 2 năm qua.

Từ năm 2021 đến nay, địa phương này đã xây mới và sửa chữa được 388/343 nhà ở, vượt 45 nhà theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Thức - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình - cho biết, đến cuối tháng 9.2023 trên toàn huyện còn khoảng hơn 700 nhà tạm, nhà dột nát cần xoá bỏ, đa số là của các hộ nghèo sau khi tách hộ. Mục tiêu là đến năm 2025 huyện sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát trên địa bàn.

"Mỗi căn nhà xây mới sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng, sửa chữa là 25 triệu đồng và để làm được căn nhà theo tiêu chí "3 cứng" (nền cứng, khung cứng và mái cứng) với số tiền hỗ trợ còn eo hẹp thì phải có sự đóng góp, giúp sức và huy động tối đa nhân lực, vật lực từ các tổ chức đoàn thể, nhân dân. Nhờ vậy mà chi phí mỗi căn nhà đã giảm xuống rất nhiều, chỉ còn khoảng 100 triệu" - ông Thức thông tin.

Cũng theo ông Thức, Lâm Bình là huyện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Vì vậy việc xoá được gần 400 căn nhà dột nát cho người nghèo trong những năm qua là một sự cố gắng rất lớn.

Tuy nhiên, ông Thức cũng cho rằng, việc xoá nhà dột nát còn không ít thách thức bởi đa số đồng bào không có nguồn đối ứng, gần như trông chờ vào sự giúp đỡ. Trong khi đó, nguồn vốn cho chương trình khá eo hẹp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan