A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế xanh: Mục tiêu hướng đến của các hợp tác xã

Việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái mang tính bền vững chính là mục tiêu mà các hợp tác xã nông nghiệp đang hướng đến.

Thay đổi tư duy trong sản xuất

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm gần 67% tổng số hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực của cả nước), với gần 3,4 triệu thành viên, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Các hợp tác xã nông nghiệp bước đầu trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, qua đó làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính là trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón.

Theo đó, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trong sản xuất, kinh doanh.

Phát triển kinh tế xanh: Mục tiêu hướng đến của các hợp tác xã

Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đang hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về những thuận lợi của người dân nói riêng và các hợp tác xã nông nghiệp nói chung khi tham gia vào phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Trong một thời gian dài, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng về sản lượng. Quá trình thâm canh quá mức đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như nguồn lực nông nghiệp, đặc biệt là đất đai, nguồn nước… đã bị suy kiệt.

“Đó là những bài học mà bà con nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp đã nhận ra và thay đổi tư duy, suy nghĩ để đi đến sự đồng thuận đối với xu thế phát triển chung của toàn thế giới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái”, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang trong quá trình phát triển với tinh thần tích hợp đa giá trị, làm sao để nâng cao các giá trị của nền kinh tế nông nghiệp thay vì chạy theo sản lượng như trước đây. Là nền tảng để hướng đến mục tiêu đó, đã có rất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp tại các địa phương nhằm hỗ trợ nông dân cũng như các hợp tác xã nông nghiệp.

Có thể thấy, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được Bộ Nông nghiệp, các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm vì tính hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp tuần hoàn có vai trò đặc biệt quan trọng.

Phát triển kinh tế xanh: Mục tiêu hướng đến của các hợp tác xã

Mô hình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Xuân A, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: Hợp tác xã với 45 thành viên hiện đang canh tác sầu riêng với vú sữa, với sản lượng năm nay ước đạt 500 tấn. Hiện nay, trái vú sữa đang được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu đi một số nước, còn sầu riêng đang được một số công ty đàm phán để bao tiêu. Từ khi tham gia hợp tác xã hiệu quả kinh tế của các thành viên được nâng lên bởi giá thành sản xuất giảm, sản lượng trái cây làm ra được bao tiêu nên các thành viên chỉ chuyên tâm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Theo ông Trần Văn Chiến, việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hợp tác xã nông nghiệp rất quan trọng, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của các thành viên, sản phẩm làm ra an toàn, chất lượng và hơn hết là thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này thì từng hợp tác xã phải thay đổi tư duy trong sản xuất để hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Đi tìm giải pháp

Trong tổng số hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước, đã có khoảng 2.300 hợp tác xã đã áp dụng những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xu thế tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tái chế, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức mà người dân và các hợp tác xã nông nghiệp phải đối mặt khi phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn.

Phát triển kinh tế xanh: Mục tiêu hướng đến của các hợp tác xã

Phân hữu cơ đang dần trở thành lựa chọn của các hộ dân và hợp tác xã nông nghiệp

Theo ông Lê Đức Thịnh, khó khăn lớn nhất đến từ nhận thức khi không phải toàn xã hội hay toàn bộ các hợp tác xã đã hiểu hết, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, những nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn còn hạn chế. Vẫn xảy ra tình trạng thiếu công nghệ, đặc biệt là công tác xác nhận, đo đạc, đăng kí để theo dõi, đánh giá các hoạt động như phát thải khí nhà kính, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, tác dụng của kinh tế tuần hoàn là giúp đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi giá trị nhưng đi kèm là tăng chi phí đầu tư trong khi vấn đề liên quan đến chính sách, tín dụng khuyến khích còn hạn chế. Đặc biệt, thực trạng sản xuất của bà con nông dân hiện nay vẫn còn manh mún. Chính vì vậy, những giải pháp để phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn cần phải được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, tại cấp độ của hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình một cách hiệu quả.

Nhận thức được những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong việc hướng người dân theo hướng phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, một trong những yếu tố tiên quyết để người dân có thể phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn đó là giảm phát thải khí nhà kính.

Phát triển kinh tế xanh: Mục tiêu hướng đến của các hợp tác xã

Các nhà vườn đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo đó, chuyên gia đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong sản xuất nông nghiệp như hạn chế đốt nương làm rẫy, phụ phẩm; Sử dụng máy làm đất tiết kiệm nhiên liệu, giảm làm đất xuống mức tối thiểu; Cải tiến công nghệ sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; Sử dụng máy gieo hạt ít nhiên liệu; Bón phân kết hợp; Hạn chế sử dụng và phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả tưới, sử dụng máy bơm tiêu ít nhiên liệu, giảm thất thoát nước; Sử dụng máy làm cỏ tiêu tốn ít nhiên liệu.

Bên cạnh đó, cần sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; Cải tiến công nghệ sấy, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, sinh học; Cải tiến công nghệ chế biến, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, sinh học, tuần hoàn chất thải.

Đồng thời, quản lý phân hữu cơ bằng các biện pháp như Biogas, sản xuất phân compost, đệm lót sinh học; Tiêu nước phơi ruộng trong canh tác lúa; Hạn chế đốt sinh khối, tuần hoàn chất thải; Bón phân đạm theo nhu cầu của cây, cân đối đạm chậm tan, phân giải chậm có kiểm soát, thông minh…


Tác giả: THANH TÙNG
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật