A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động

Dự báo về tình hình lao động, việc làm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ, những khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý 1/2023. Điều này cũng khiến việc bảo đảm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thị trường lao động trong nước gặp nhiều khó khăn

Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023, thị trường lao động sẽ có những biến động nhất định, do đó, các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện việc làm cho người lao động và ổn định thị trường lao động trong nước.

Báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ, những khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý 1/2023. Điều này cũng khiến việc bảo đảm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến ngày 24/1 vừa qua, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ… Có 637.491 lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75.000 lao động.

Trước thực trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhận định, một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

Cần xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động
Theo dự báo, thị trường lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng tiếp theo

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích, việc cắt giảm đơn hàng đã khiến hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu hàng hóa, do đó sản xuất phải giảm đi. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp khác đã cho lao động nghỉ việc, do vậy, số lao động mất việc làm tăng cao vào những tháng cuối năm.

“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động thì việc đầu tiên là phải tìm kiếm được đơn hàng. Để làm được việc này, các doanh nghiệp phải cùng với Hiệp hội ngành nghề, tham tán, Đại sứ quán của các quốc gia nắn lại thị trường truyền thống của mình, xem có gì thay đổi, thay đổi như thế nào, thay đổi ra sao để từ đó sản xuất hàng hóa theo thị hiếu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới và phục hồi được thị trường lao động”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng, với sự vào cuộc của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động cũng như các doanh nghiệp, ngay trong quý 1 này, lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên. Cùng với đó, việc nắm bắt thị trường trong nước được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn, các đơn hàng cả trong nước và quốc tế sẽ tạo ra sức hút để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, qua đây sẽ thu hút một lực lượng lớn lao động.

Cần có giải pháp để ổn định sản xuất, ổn định thị trường lao động

Theo các chuyên gia, giải pháp cơ bản nhất để cải thiện thị trường lao động là tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh thị trường trên thế giới bị thu hẹp, nhất là các nước EU, Mỹ, việc tìm kiếm thị trường ở khu vực khác, kể cả trong nước là giải pháp hàng đầu để doanh nghiệp ổn định sản xuất, ổn định thị trường lao động.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước sẽ kéo sang đến hết quý 1, thậm chí quý 2/2023. Từ thực trạng khó khăn trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cấp bách để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến.

Cần xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ...

Trước kiến nghị liên quan đến việc nên trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động mất việc trong giai đoạn này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chúng ta đã sử dụng đến 38.000 tỷ trong tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, trong khi mục tiêu của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động bị mất việc để họ đảm bảo cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới.

"Vì vậy, chúng ta không nên nghĩ đến việc dùng quỹ này để hỗ trợ lao động mất việc làm trong thời điểm hiện nay mà chỉ nên sử dụng để hỗ trợ cho người lao động mất việc khi tình thế đặc biệt khó khăn. Để giải quyết vấn đề hiện tại cần đồng bộ các giải pháp của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, người lao động theo đúng quy định của pháp luật", ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có thể có các giải pháp linh hoạt hơn như: Nếu doanh nghiệp vẫn duy trì tồn tại phát triển thì có thể hỗ trợ bằng cách tạm hoãn đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không tính lãi, hoặc có thể trợ cấp bằng các phương pháp của thiết chế công đoàn như cho vay vốn, hỗ trợ nhà ở… để người lao động vượt qua khó khăn, thử thách.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan