A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công đoàn bảo vệ, công nhân bị tai nạn lao động được bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng

Với sự tham gia bảo vệ của tổ chức Công đoàn, Tòa án nhân dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên buộc doanh nghiệp bồi thường cho người lao động số tiền hơn 1,2 tỉ đồng do tai nạn lao động.

Công đoàn bảo vệ, công nhân bị tai nạn lao động được bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng

Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bồi thường tai nạn lao động. Ảnh: Thành An

Doanh nghiệp từ chối yêu cầu bồi thường

Ngày 30.9, TAND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động giữa nguyên đơn là ông Lưu Chí Hiếu (sinh năm 1973) và bị đơn là Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 (gọi tắt là Công ty BOT PM3).

Ông Lưu Chí Hiếu đã đưa ra 5 yêu cầu gồm: Thanh toán chi phí y tế đồng chi trả hơn 222 triệu đồng; bồi thường chế độ tai nạn lao động 26,7 tháng lương; thanh toán tiền lãi hơn 166 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ 10 tháng lương theo cam kết đối với người lao động (với mức lương 41,189 triệu đồng); buộc doanh nghiệp phải lập đầy đủ hồ sơ gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để được hưởng các chế độ liên quan. Tổng cộng số tiền yêu cầu bồi thường khoảng 1,9 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trung Ngạn - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - được phân công bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lưu Chí Hiếu tại phiên tòa. Theo ông Ngạn, giữa các bên đã thỏa thuận nhưng không đi đến ý kiến thống nhất. Vì vậy, người lao động đã nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa án.

Tại phiên tòa, đại diện Công ty BOT PM3 nêu quan điểm cho rằng, trường hợp của ông Lưu Chí Hiếu không phải là tai nạn lao động do trước đó ông Hiếu cảm thấy không khỏe nên đã đến phòng y tế, được bác sĩ thăm khám và yêu cầu nằm nghỉ. Một lúc sau, ông Hiếu mới xuất hiện các triệu chứng và xảy ra đột quỵ, thời điểm này ông Hiếu đang nghỉ ngơi chứ không phải đang làm việc, nên đây là bệnh lý.

buộc bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân nêu quan điểm về vụ tranh chấp, đó là căn cứ trên hợp đồng lao động, các quy định pháp luật, các văn bản có liên quan... và mới nhất là bản án phúc thẩm của TAND tỉnh về tranh chấp hợp đồng lao động giữa các bên, thì đây là tai nạn lao động.

“Quan điểm của bị đơn cho rằng đây là bệnh lý, là không phù hợp với quy định của pháp luật”, đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhận định, mức lương để tính số tiền bồi thường nên là 38,197 triệu đồng, tương ứng mức lương đóng BHXH của ông Hiếu; không chấp nhận phần tiền lãi phát sinh vì không đủ cơ sở. Đồng thời, đại diện Viện kiểm sát cũng nêu quan điểm không chấp nhận yêu cầu bồi thường 10 tháng lương vì người lao động không đưa ra được tài liệu, bằng chứng nào chứng minh cam kết giữa doanh nghiệp với người lao động; và doanh nghiệp cũng phủ định có cam kết đối với ông Lưu Chí Hiếu. Dù trong vấn đề này, ông Ngạn cho rằng, việc chứng minh là của người sử dụng lao động, là một đặc thù trong tranh chấp quan hệ lao động.

Trên cơ sở các ý kiến hỏi đáp, tranh luận tại phiên tòa, cũng như các tài liệu hồ sơ liên quan đến vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên chấp thuận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 bồi thường cho ông Lưu Chí Hiếu số tiền hơn 1,24 tỉ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật