A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân mong tăng lương tối thiểu vùng

Đa số công nhân, lao động mong năm 2025 tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Với họ, mức tăng này sẽ kéo theo tổng thu nhập mỗi tháng tăng lên…

Công nhân mong tăng lương tối thiểu vùng

Công nhân, lao động kỳ vọng năm 2025 tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Hải Nguyễn

Tăng lương tối thiểu vùng, tăng thu nhập

Chị Mùi Thị Tắc, sinh năm 1987, quê huyện Mộc Châu (Sơn La) xuống Hưng Yên được 2 năm. Hiện chị Tắc đang làm công nhân tại Công ty Cổ phần Uniben (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

Theo chị Tắc, trước ngày 1.7.2024, tổng thu nhập của chị được khoảng 9,1 triệu đồng. Từ ngày 1.7.2024, lương tối thiểu vùng khu vực huyện Văn Lâm tăng lên 4.410.000 đồng/tháng, tổng thu nhập của chị được gần 10 triệu đồng/tháng. “Thêm mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng, gia đình có thêm khoản để chi tiêu, sinh hoạt”, chị Tắc nói.

Chị Mùi Thị Tắc bế con của một gia đình cùng xóm trọ trong buổi sáng được nghỉ làm. Nữ công nhân mong năm 2025 tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Quỳnh Chi

Chị Mùi Thị Tắc bế con của một gia đình cùng xóm trọ trong buổi sáng được nghỉ làm. Nữ công nhân mong năm 2025 tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Quỳnh Chi

Tương tự, nam công nhân Hà Văn Tuyên, sinh năm 1995, quê huyện Bá Thước (Thanh Hóa) xuống Hưng Yên từ tháng 2.2024, làm qua vài công ty, hiện là công nhân xưởng đúc, Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên). Theo anh Tuyên, sau ngày 1.7.2024, thu nhập của anh tăng thêm hơn 400.000 đồng/tháng. “Tôi có thêm tiền gửi về quê cho bố mẹ lo cho con trai đang học cấp 1”, nam công nhân cho biết.

Theo Nghị định 74, người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Tại Hà Nội, chị Bùi Thu Hương hiện làm công nhân một công ty may mặc tại huyện Gia Lâm, thu nhập căn cứ trên mức lương tối thiểu vùng 1 là 4.960.000 đồng/tháng. 6 năm làm công nhân, chị Hương cho hay tổng thu nhập nếu đi làm đều đặn và tăng ca có thể được hơn 13 triệu đồng/tháng.

Cũng tại Hà Nội, anh Trần Văn Hiếu, công nhân một công ty cơ khí tại huyện Phú Xuyên có thu nhập dựa trên lương tối thiểu vùng 2 là 4.410.000 đồng/tháng, tổng thu nhập được hơn 12 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, từ 1.7.2024, lương tối thiểu vùng tăng 6% như sau:

- Vùng 1: 4.960.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 23.800 đồng/giờ)

- Vùng 2: 4.410.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 21.200 đồng/giờ)

- Vùng 3: 3.860.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 18.600 đồng/giờ)

- Vùng 4: 3.450.000 đồng/tháng (theo giờ tối thiểu 16.600 đồng/giờ).

Phân vùng lương tối thiểu vùng

Liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Bộ Nội vụ cho hay sẽ tập trung chuẩn bị nội dung về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, trong đó có cả phân vùng lương tối thiểu phù hợp với việc sắp xếp các đơn vị hành chính, sáp nhập các tỉnh, thành.

Như vậy, khi sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện, cơ quan chuyên môn sẽ phải tính toán lại phân vùng lương tối thiểu phù hợp.

Trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp vẫn tuân thủ quy định tại Nghị định 74. Nơi nào thuộc khu vực huyện nào, thị xã nào, thành phố nào thì vẫn áp dụng cho đến khi Chính phủ điều chỉnh.

Ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng quan trọng nhưng điều quan trọng nhất là tăng lương ở doanh nghiệp thì phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

“Cần phải tính khía cạnh của thị trường, doanh nghiệp, quan điểm của Nhà nước để xem xét việc tăng lương tối thiểu vùng và nếu tăng lương thì ở mức nào” - ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật