Đẩy mạnh tự quản trị rủi ro về an toàn vệ sinh lao động
Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sẽ được phát động cùng với Tháng Công nhân năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) chia sẻ tại buổi họp. Ảnh: Hương Nha
Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ Trung ương đã họp, thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025 vào ngày 9.4.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Chu Thị Hạnh cho biết, trong năm 2024, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng đáng lo ngại so với 2023.
Năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%) làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn), trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người). Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản thống kê chưa đầy đủ là trên 42.565 tỉ đồng (thiệt hại tài sản 492 tỉ đồng) và 154.759 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.
“Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ” - Phó Cục trưởng Cục Việc làm chia sẻ.
Cũng theo bà Chu Thị Hạnh, Tháng Hành động được tổ chức từ ngày 1.5 đến ngày 31.5. Dự kiến, Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2025 cấp Trung ương sẽ cùng được tổ chức vào sáng ngày 25.4 tại Hà Nội.
Trong Tháng Hành động sẽ tổ chức một số đoàn đi thực tế thăm, kiểm tra, giám sát công tác triển khai, hưởng ứng tại một số địa phương, ngành có đông công nhân lao động hoặc có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN), triển khai thực hiện Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19.3.2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương.
Chính quyền cấp cơ sở cần chú trọng bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác ATVSLĐ trong bối cảnh sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần tiếp tục dành sự quan tâm đối với khu vực không có quan hệ lao động, tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân, các ngành có nhiều nguy cơ, rủi ro cao như khai khoáng, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện.
Bà Hồ Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh việc cần đẩy mạnh tự quản trị rủi ro về ATVSLĐ tại doanh nghiệp, nhất là trong Tháng Công nhân và Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2025. Cùng với đó là chú trọng công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.