Mang sách đến công nhân
Để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong CNVCLĐ, LĐLĐ Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục xây mới và bổ sung các đầu sách cho “Tủ sách Công đoàn” tại các khu nhà trọ công nhân, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trong các doanh nghiệp.
CNLĐ không có thời gian và tiền để đi mua sách
Khi Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân trên địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh được trang bị Tủ sách Công đoàn, có những công nhân trong khu trọ đã tranh thủ buổi tối đến đọc sách.
Chị Trần Thị Thúy, công nhân đang thuê trọ tại đây là một trong số đó. Chị Thúy chia sẻ bản thân thích đọc sách, báo, nhất là sách văn học, giải trí nhưng vì không có thời gian đi ra hiệu sách và cũng không khoản tiền nào trong tổng số thu nhập chi cho việc mua sách nên đành thôi. Quanh chỗ trọ cũng không có hiệu sách, sang trung tâm Hà Nội thì xa quá. Vì vậy, sau mỗi ca làm việc, về phòng trọ, trong lúc nấu ăn chị Thúy lại lên mạng nghe đọc truyện. “Nhưng, không gì thích bằng được cầm trên tay cuốn sách, thậm chí là được hít hà mùi giấy” - chị Thúy cho biết. Từ khi khu trọ được trang bị Tủ sách Công đoàn, chị Thúy đều sắp xếp thời gian để đến đọc sách miễn phí.
Nhu cầu đọc sách báo của CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các khu nhà trọ là có. Thực tế cho thấy, vừa qua, khi LĐLĐ Thành phố đề nghị CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, đăng ký, triển khai xây dựng mới, sửa sang, trang trí, bổ sung các đầu sách cho “Tủ sách Công đoàn” tại các Khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trong các doanh nghiệp thì đã nhận được những đề nghị bổ sung đầu sách văn học...
Mang sách đến người lao động
Nắm bắt được nhu cầu của CNLĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch xây mới và bổ sung các đầu sách cho “Tủ sách Công đoàn” tại các Khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và trong các doanh nghiệp năm 2024.
Theo đó, LĐLĐ Thành phố Hà Nội triển khai tới các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng, khai trương các “Tủ sách Công đoàn”, bổ sung thêm các đầu sách cho các Tủ sách hiện có, gồm xây dựng mới 10 “Tủ sách Công đoàn” tại các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa, trong các doanh nghiệp. Trang bị, bổ sung 20 bộ sách cho các “Tủ sách Công đoàn” hiện có. Trong đó, đầu sách trong các “Tủ sách Công đoàn” có sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, tài liệu tuyên truyền các chế độ chính sách liên quan...; báo của Công đoàn: Lao động, Lao động Thủ đô; Tạp chí Lao động Công đoàn...; ấn phẩm của tổ chức CĐ phát hành, Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở; nhóm sách về Văn hóa, Lịch sử, Văn học; Sách về kỹ năng sống, giải trí...
Kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí của LĐLĐ Thành phố, của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác (nếu có). Trong đó, LĐLĐ Thành phố Hà Nội cấp kinh phí thành lập 10 Tủ sách Công đoàn (mua tủ sách, sách), mỗi Tủ sách trị giá 10.000.000 đồng; trang bị sách cho 20 “Tủ sách Công đoàn” hiện có, với giá trị mỗi bộ sách là 3.000.000 đồng…
Việc mang sách, đưa văn hóa đọc đến với CNLĐ là nhằm tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách và việc đọc sách trong học tập, đời sống. Nâng cao nhận thức của đoàn viên, CNLĐ về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, phấn đấu để CNVCLĐ có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí. Có thể thấy rõ việc xây dựng các “Tủ sách Công đoàn” nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong CNVCLĐ, sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đây cũng thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho đoàn viên, CNVCLĐ.