A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy mô hình Tổ Công nhân lao động tự quản

Theo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh những đóng góp của đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm khác như tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở một số địa bàn tập trung đông CNLĐ… do đó trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho CNLĐ.

Phát huy mô hình Tổ Công nhân lao động tự quản

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của công nhân khu nhà trọ. Ảnh: Vũ Điệp

Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên - cho biết, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố cử cán bộ đến các thôn, xóm, khu tập thể để nắm tình hình tư tưởng và số lượng CNLĐ thuê trọ. Tham mưu, xây dựng mô hình tổ tự quản, với nội quy, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập được 6 tổ CNLĐ tự quản, với tổng số gần 1.000 CNLĐ.

Tổ tự quản CNLĐ khu nhà trọ là địa điểm để tổ chức Công đoàn và chính quyền địa phương vận động, tập hợp CNLĐ, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên; các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống các tệ nạn xã hội; đặc biệt các chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp tới CNLĐ như Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH, BHYT...

Từ khi thành lập tổ tự quản, chủ nhà trọ và CNLĐ đã nâng cao trách nhiệm, tăng cường mối liên hệ với tổ tự quản, thường xuyên nắm bắt tình hình để phản ánh kịp thời với lãnh đạo tổ, bảo vệ dân phố, công an và chính quyền địa phương những vụ, việc làm ảnh thưởng đến an ninh trật tự, an toàn khu vực CNLĐ sinh sống; nhắc nhở CNLĐ nghiêm túc đăng ký tạm trú, tạm vắng, giữ vệ sinh, phòng chống cháy nổ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống…

“Việc hình thành tổ tự quản CNLĐ khu nhà trọ giúp cho tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, dư luận, những bức xúc trong CNLĐ để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tìm biện pháp giải quyết kịp thời, phù hợp, hạn chế tối đa những vụ đình công, những phản ứng tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn và sự phát triển của doanh nghiệp” - ông Phạm Việt Dũng cho hay.

“Để tiếp tục duy trì và phát huy mô hình tổ tự quản CNLĐ trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung như vận động xây dựng một quỹ hoạt động chung cho tổ CNLĐ tự quản hoạt động có thể do CNLĐ, trong xóm đóng góp kết hợp với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp, vận động các doanh nghiệp, công đoàn các công ty có CNLĐ thuê trọ. Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa LĐLĐ thành phố với công an, chính quyền địa phương và chủ nhà trọ chặt chẽ hơn nữa để CNLĐ có thể yên tâm ở trọ và làm việc.

Xây dựng lịch hoạt động thường xuyên của tổ tự quản và khu nhà trọ vào các ngày trong tuần, trong tháng để mọi người có thời gian chuẩn bị và tham gia tích cực hơn, đảm bảo nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền và hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao, thăm, tặng quà cho CNLĐ và con CNLĐ tại khu nhà trọ…” - ông Phạm Việt Dũng nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan