Chơi bài ăn tiền trong ngày Tết cũng có thể bị xử lý hình sự
Vào dịp nghỉ Tết, nhiều người có thú vui đánh bài để giải trí có sử dụng tiền để làm hình thức thưởng/phạt. Tuy nhiên việc chơi bài mà ăn thua bằng tiền, tài sản, hiện vật có giá trị thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất của hành vi.
Ảnh minh hoạ |
Mới đây, Công an huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, đang củng cố hồ sơ khởi tố 2 vụ tụ tập đánh bài ăn tiền dưới hình thức tá lả và đánh “liêng”. Đây là 2 vụ đánh bạc bị phát hiện cùng 1 thời điểm tại 2 xã khác nhau trên địa bàn huyện. Đối tượng tham gia đánh bạc gồm có người ở địa bàn và một số tỉnh lân cận.
Trước đó vào khoảng 15h30 ngày 20/12/2022, sau khi nhận được thông tin phản ánh của quần chúng Nhân dân, Đội Cảnh sát hình sự - Công an huyện Mê Linh phối hợp với Công an xã Tráng Việt tiến hành kiểm tra hành chính nhà Ngô Văn Quyết (sinh năm 1983, ở xóm 5, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) phát hiện tại tầng 1, có 5 đối tượng đang đánh bạc ăn tiền bằng hình thức chơi "Liêng", thu giữ số tiền hơn 20 triệu đồng cùng một số tang vật phục vụ việc đánh bạc.
Quá trình đấu tranh, các đối tượng khai, ngoài 5 đối tượng có hành vi đánh bạc bị Cơ quan Công an bắt quả tang, còn có Ngô Văn Kiên (SN 1980, ở xóm 5, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) tham gia đánh bạc nhưng bỏ về trước.
Tiếp đến khoảng 21 giờ cùng ngày, Công an xã Thạch Đà, huyện Mê Linh kiểm tra hành chính nhà Nguyễn Văn Kiển (sinh năm 1984, ở thôn 4, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) đã phát hiện 6 đối tượng đang có hành vi đánh bạc ăn tiền bằng hình thức đánh 'phỏm', thu giữ số tiền hơn 8,5 triệu đồng cùng một số đồ vật phục vụ việc đánh bạc...
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định xử lý người có hành vi đánh bài, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Chơi bài là hoạt động vui chơi giải trí ngày Tết. Tuy nhiên, nếu chơi tiến lên, tá lả.. mà ăn thua bằng tiền, tài sản, hiện vật có giá trị thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất của hành vi.
Về xử phạt hành chính, theo điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào "đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật" sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Về xử lý hình sự, người thực hiện hành vi chơi tiến lên, tá lả… sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp: "Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này" thì bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với người tổ chức thì mức phạt được quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, còn mức phạt đối với tổ chức thì gấp đôi mức phạt này.
Nếu có căn cứ chứng minh người vi phạm thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 322 Bộ luật hình sự hiện hành thì người này có thể bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc". Mức phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.