A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn nguyên nhân, mầm mống lừa đảo trên không gian mạng

Để ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, chuyên gia pháp lý cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh, cần quản lý chặt các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội… những nguyên nhân, mầm mống trực tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, internet…

Một nạn nhân đến cơ quan công an trình báo bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn
Một nạn nhân đến cơ quan công an trình báo bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet đang diễn biến rất phức tạp. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo và chỉ rõ thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua các trang mạng xã hội như: Giả danh cơ quan tố tụng gọi điện đe doạ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt; Làm quen hứa hẹn tặng quà…; “Chạy đơn hàng” nhận hoa hồng cao… Tuy nhiên, không ít người cả tin dẫn tới “sập bẫy” mất số tiền vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, lực lượng của Bộ Công an và công an nhiều tỉnh, thành đã liên tục điều tra, truy quét, đánh sập nhiều đường dây lừa đảo. Ví dụ như cuối tháng 7/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ nhóm 4 đối tượng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Thanh Hóa, lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online để chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, nhóm này giả danh là nhân viên các tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia, tạo lập các group kêu gọi tuyển cộng tác viên. Các đối tượng dụ dỗ người tham gia nộp tiền mua các mặt hàng trên các sàn thương mại ảo, với lời hứa hẹn cuối ngày sẽ được thu hồi sản phẩm và trả lại tiền, cùng với hoa hồng là 20%. Trên thực tế đã có nhiều người bỏ tiền tỷ nhưng sau đó đã bị các đối tượng chặn máy và chiếm đoạt.

Trước đó vào tháng 6/2022, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã khởi tố, bắt tạm giam 6 bị can gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (22 tuổi, Tuyên Quang); Vũ Văn Khôi (28 tuổi, Tuyên Quang); Lê Văn Thành (26 tuổi, Thái Bình); Nông Văn Hưng (17 tuổi, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (21 tuổi, Hà Nội) và Phan Trí Đạt (26 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

6 bị can này là “chân rết” trong băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp. Các đối tượng này thường nhắm đến các con mồi là phụ nữ, nhẹ dạ, cả tin, không có công việc ổn định.

Băng nhóm do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu và các đối tượng người Việt Nam thực hiện, đặt trụ sở tại Đặc khu Mộc Bài thuộc tỉnh Bavet - Campuchia, nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh - Việt Nam. Tổng cộng chỉ trong tháng 2 đã có 40 người bị chúng lừa đảo chiếm đoạt khoảng 5 tỷ đồng.

Ngăn chặn nguyên nhân, mầm mống lừa đảo trên không gian mạng
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng internet, bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng internet, bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ

Để người dân không rơi vào bẫy các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, Cơ quan Công an và nhiều đơn vị chức năng khác đã chỉ ra phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo như: Mạo danh nhân viên của các trang như: Shopee, Lazada, Tiki... lôi kéo người dùng tham gia cộng tác viên bán hàng online với hoa hồng hấp dẫn 10-20%...

Các đối tượng yêu cầu cộng tác viên đặt đơn hàng ảo và phải thanh toán tiền đơn hàng trước sau đó mới được nhận tiền gốc và hoa hồng đơn hàng. Đến khi số tiền đủ lớn, chúng chiếm đoạt toàn bộ khoản tiền của cộng tác viên đã thanh toán đơn hàng.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trang web, Facebook, Zalo giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng hưởng hoa hồng với lãi suất cao.

Đồng thời, người dân cần chia sẻ, cảnh báo với người thân, hàng xóm các phương thức thủ đoạn của tội phạm; Trình báo Cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc nghi vấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra.

Cơ quan Công an đã nhiều lần cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng
Cơ quan Công an đã nhiều lần cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng

Quản lý chặt tài khoản ngân hàng, mạng xã hội

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những quy định của pháp luật trong việc phòng ngừa, răn đe, xử lý các đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, kinh nghiệm giao dịch, tham gia các quan hệ lao động, thương mại trên không gian mạng của nhiều người còn hạn chế nên hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet đang diễn biến rất phức tạp.

Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng internet rất đa dạng như: Gọi điện đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác bằng cách giả danh cơ quan tố tụng, các cơ quan chức năng để buộc nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định rồi chiếm đoạt; Làm quen hứa hẹn tặng quà để yêu cầu nạn nhân phải gửi tiền chi phí hóa đơn vận chuyển, tiền thuế, tiền phạt…; Dụ dỗ lôi kéo bị hại tham gia vào các hoạt động đầu tư như sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế...

Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo trong thương mại điện tử, tuyển cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử để các nạn nhân chuyển tiền mua hàng rồi chiếm đoạt.

Phần lớn các nạn nhân là những người trẻ hoặc những người nhẹ dạ cả tin, muốn có việc làm thêm để tăng thu nhập nhưng lại mất cả vốn lẫn lời...

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, hoạt động lừa đảo không chỉ có người Việt Nam thực hiện trên không gian mạng mà còn có những người nước ngoài; Tội phạm có tổ chức ở nước ngoài.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều trường hợp các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức các đường dây lừa đảo ở Campuchia và thuê người Việt Nam hoặc dụ dỗ ép buộc, mua chuộc người Việt tiếp tay giúp sức cho nhóm đối tượng lừa đảo. Phương thức thủ đoạn chủ yếu thông qua hình thức kêu gọi đầu tư tuyển cộng tác viên với chiêu trò dụ dỗ là "việc nhẹ lương cao"...

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp

Cũng theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam quy định, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là người Việt Nam hay người nước ngoài, hành vi thực hiện ở Việt Nam hay ở nước ngoài mà nạn nhân là người Việt Nam thì vẫn có thể xử lý hình sự bằng pháp luật Việt Nam theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân; Đối với hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 290 với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù.

Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, có tiền án tiền sự thì phải chịu mức án nghiêm khắc. Những đối tượng giúp sức, xúi giục thì mức hình phạt sẽ nhẹ hơn. Đối với những người lao động bị lừa, bị khống chế ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác mà không phải ý chí của cá nhân mình thì có thể sẽ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Tất cả số tiền do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu để trả lại người bị hại hoặc sung vào công quỹ Nhà nước. Nếu các đối tượng đã sử dụng số tiền phạm tội mà có để thực hiện các hoạt động rửa tiền nhằm che giấu nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý thêm tội danh rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự.

4 đối tượng bị bắt giữ về hành vi tuyển cộng tác viên bán hàng online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
4 đối tượng bị bắt giữ về hành vi tuyển cộng tác viên bán hàng online để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

“Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao thì Nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách và pháp luật về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua mạng internet; Củng cố xây dựng lực lượng an ninh an toàn mạng ngày càng tinh nhuệ, được trang bị những thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân; Đặc biệt là tuyên truyền để người dân nhận diện các phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet.

Đồng thời, các dịch vụ viễn thông, dịch vụ trung gian thanh toán cũng cần được tăng cường quản lý để hạn chế những tình huống các đơn vị này vô tình hay cố ý tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo; Cần quản lý chặt chẽ các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, các phương tiện trung gian thanh toán, các thẻ sim điện thoại và xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân...

Đây là những nguyên nhân, mầm mống trực tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng internet”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.


Tác giả: Thành Lộc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật