Ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thành niên
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành liên tục xảy ra những vụ việc thanh thiếu niên tụ tập mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn gây hoang mang, lo lắng cho xã hội. Nhiều vụ việc đã để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân và xã hội... Vì vậy, các gia đình cần quan tâm quản lý con em mình để ngăn ngừa ngay khi có dấu hiệu manh nha phạm tội.
Xử lý nhiều ổ nhóm trẻ mới lớn phạm tội
Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội vừa cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an huyện đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 11 đối tượng trong độ tuổi vị thành niên (15-17 tuổi) liên quan vụ mang hung khí đi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng tại xã Vân Côn, Hoài Đức.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều ổ nhóm thanh thiếu niên phạm tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng |
Theo tài liệu của cơ quan Công an, do có mâu thuẫn với người tên Huy, (SN 2005, trú tại xã Vân Côn), khoảng 23h45 ngày 29/7/2022, Vương Thế Vũ, (SN 2005, trú tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) rủ 9 đối tượng khác đều ở độ tuổi thanh thiếu niên và cùng trú tại huyện Quốc Oai đi tìm Huy để đánh nhau.
Trước khi đi đánh nhau, Vũ ra một quán Internet gần nhà, nhặt vỏ chai thủy tinh đưa cho đồng bọn. Sau đó, các đối tượng điều khiển xe máy đến sân Nhà văn hóa xã Vân Côn, huyện Hoài Đức để tìm Huy giải quyết mâu thuẫn. Khi nhìn thấy đối phương ở trong quán, Vũ liền lên tiếng chửi bới và thách thức, hẹn Huy đi đánh nhau. Sau đó, nhóm của Vũ di chuyển lên Đại lộ Thăng Long, đợi Vũ và Quang Trường về nghĩa trang ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai lấy 4 tuýp sắt gắn dao phóng lợn dài khoảng 2m rồi cùng nhau quay lại xã Vân Côn để tìm Huy.
Không tìm thấy đối thủ, nhóm của Vũ kéo nhau về, khi đến gần đoạn rẽ vào cầu Tân Phú, thấy có hai xe ô tô và nhiều thanh niên đứng chặn đường. Sợ hãi, các đối tượng quay đầu thì xảy ra va chạm với xe ô tô khiến hai người trong nhóm của Vũ bị thương tích, phải vào bệnh viện điều trị. Thấy vậy, một thiếu niên đã cầm tuýp sắt phi về phía xe ô tô gây vỡ kính.
Trước đó, Công an quận Ba Đình cũng đã bắt giữ nhóm “Những chú báo nhỏ” gây ra vụ chém người tại trước số 125 phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình vào rạng sáng 2/2/2023. Theo tài liệu điều tra, Nguyễn Quốc Toản (SN 2002, trú tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đi chơi đêm, bị một nhóm đối tượng điều khiển xe mang biển kiểm soát Hải Phòng đánh, nên đã nảy sinh ý định trả thù.
Toản cùng Phạm Đức Trí đã lập ra nhóm Facebook “Những chú báo nhỏ” và kết nạp các đối tượng có lối sống buông thả, xu hướng bạo lực vào trong nhóm để đi tìm các nhóm thanh niên khác đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển số, tóc nhuộm, sẽ chặn lại để tấn công mà không cần lý do. Không chỉ vậy, các đối tượng còn điều khiến xe máy phóng nhanh, đánh võng, lạng lách, rú ga bấm còi… gây mất trật tự công cộng.
Người trẻ phạm tội gây nhức nhối cho xã hội |
Trao đổi với báo chí về những vụ việc thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn, Trung tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) nhìn nhận, nguyên nhân là do lối sống buông thả của bản thân các đối tượng cũng như thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, phụ huynh.
“Hiện nay, mạng xã hội kết nối thông tin mạnh mẽ, các đối tượng dễ dàng lập hội, nhóm rủ rê, lôi kéo, kích động các đối tượng khác tham gia gây án. Sự hạn chế hiểu biết pháp luật cũng là nguyên nhân khiến cho các đối tượng manh động, liều lĩnh khi gây án”, Chỉ huy Đội 8 nói.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Quang, thời gian tới, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục cùng với Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra kiểm soát, mật phục, trấn áp tội phạm có xu hướng bạo lực. Công an các đơn vị trong toàn thành phố, nhất là công an cấp cơ sở đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; đưa những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm hoặc dễ vi phạm pháp luật vào diện quản lý, giáo dục, phòng ngừa.
Gia đình, nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền cho học sinh, con em hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật để các em hiểu rõ hành vi cầm dao, kiếm, phóng xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng… sẽ bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm.
Gia đình, khu dân cư cần quan tâm, giám sát
Cùng trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em nêu quan điểm: Qua các vụ việc thanh thiếu niên tụ tập mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn cho thấy có một bộ phận giới trẻ thiếu giáo dục, ích kỷ cá nhân, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà sẵn sàng vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em |
“Qua nghiên cứu về tình hình tội phạm là người dưới 18 tuổi, chúng tôi thấy rằng phần lớn các đối tượng phạm tội là thành phần bất hảo, thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, bỏ học sớm, tụ tập đua đòi với các thói hư, tật xấu... Trong đó không ít trường hợp các em thiếu cha, thiếu mẹ hoặc cha mẹ cũng là những thành phần bất hảo, vào tù, ra tội...
Một số trường hợp khác có nguyên nhân từ việc bố mẹ nuông chiều, giáo dục không phù hợp khiến cho những đứa trẻ chỉ quen đón nhận, hưởng thụ mà không biết chia sẻ, nhường nhịn với người khác... Khi quyền lợi bị xâm phạm, cảm thấy bị thiệt thòi, không đạt được mong muốn cảm xúc thì sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người chưa thành niên phạm tội cũng có nhiều trường hợp liên quan đến mâu thuẫn tình cảm của tuổi mới lớn. Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiểm chế cảm xúc, dễ bị lôi kéo dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Cường nói.
Cũng theo vị tiến sỹ luật học, để giảm thiểu thanh thiếu niên phạm tội thì cần tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên đối với xã hội; Đồng thời, cần có sự quan tâm giám sát chặt chẽ của cha mẹ, gia đình và các thiết chế xã hội đối với trẻ em, thanh thiếu niên.
Cha mẹ, gia đình cũng cần quan tâm tới các con, bởi có quan tâm thì mới nắm được những thông tin, diễn biến tâm tư tình cảm của các con trong độ tuổi mới lớn; Chia sẻ với các con trong việc học tập, sinh hoạt, quan hệ bạn bè.
Bố mẹ, người thân có gần gũi với các con thì các con mới mở lòng sẵn sàng thổ lộ, bày tỏ cảm xúc, tâm tư của mình với người lớn. Có như vậy mới hiểu, mới nắm được thông tin, ý định của các con, từ đó định hướng, giúp các con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; Qua đó kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các con đua đòi, tiếp xúc với người xấu…
“Về phía các nhà trường, khu dân cư cần có các mô hình, câu lạc bộ để thu hút các con tham gia sinh hoạt lành mạnh như: Văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, thi đua học tập, làm từ thiện... Những CLB này sẽ tạo sân chơi lành mạnh giúp các con giảm căng thẳng trong học tập. Việc tham gia sinh hoạt, có việc làm, các con không còn thời gian để lang thang, không bị bạn xấu lôi kéo tụ tập đua xe, rơi vào các tệ nạn xã hội, dẫn tới có nhưng hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Công an TP Hà Nội đề nghị người dân khi phát hiện các ổ nhóm đối tượng nghi vấn, thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát 113 hoặc cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý, không để các nhóm tội phạm gây án, làm phức tạp tình hình địa bàn, gây hoang mang dư luận. |