Thanh tra, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề về công tác quản lý thị trường vàng, giá vé máy bay và đề nghị các báo cáo đánh giá rõ hơn để có hướng xử lý.
Quang cảnh phiên họp |
Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Trong đó, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi các nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin, gia tăng áp lực trả nợ các trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, càng gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh.
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ đánh giá việc quản lý thị trường vàng còn bất cập. Chính phủ cũng nêu rõ việc hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu thảo luận. |
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, giá vé máy bay thời gian qua tăng cao khiến cho ngành du lịch gặp khó khăn. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, việc giá vé máy bay tăng cao khiến cho người dân có xu hướng du lịch gần; các điểm du lịch xa, phải di chuyển bằng máy bay chưa đạt lượng khách như kỳ vọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra các vấn đề cần đề cập trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong đó, thời gian qua giá vé máy bay tăng cao nhưng chưa kịch trần. “Vậy còn tăng nữa không và ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, đặc biệt là du lịch?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: "Giá vàng “nhảy múa” vừa rồi thì công tác quản lý như thế nào? Không lẽ cứ để “nhảy múa” thế? “Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường “nhảy múa” kiểu ấy được? Chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế. Đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Cần có "bàn tay" của Nhà nước để can thiệp
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng giá vàng cao như hiện nay, chênh lệch với giá vàng thế giới quá nhiều. “Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng để quản lý thị trường vàng nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vài phiên nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh. Chúng tôi đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, cần có bàn tay của Nhà nước để can thiệp vào thị trường”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu thảo luận |
Trong khi đó cùng với đặt vấn đề tại sao thị trường vàng lại “nhảy múa” và có thời điểm đạt kỷ lục cao đến 92 triệu đồng/lượng vàng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra, những tháng đầu năm 2024, người dân đầu tư kinh doanh thấp nhưng đầu tư vào vàng lại cao, cần có phân tích, đánh giá kỹ hơn và có giải pháp cho vấn đề này.
“Cần đánh giá kỹ và có giải pháp khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong khi lãi suất giảm, có phải môi trường đầu tư kinh doanh đang có vấn đề. Nguồn vốn đầu tư từ tư nhân còn rất thấp mà đầu tư vào vàng cao; người dân không yên tâm vào đầu tư sản xuất. Do đó cần phải phân tích kỹ hơn", bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Trong kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (điều hành hoạt động của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cho rằng giá vàng tăng cao sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, tác động đến lạm phát trong nước. Từ đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao tình hình thị trường vàng trong nước và thế giới; điều hành linh hoạt, kịp thời giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.