A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chấn động với phao cứu sinh của ông lớn hàng không Mỹ

Giới phân tích Phố Wall cùng quan chức Lockheed Martin không khỏi bất ngờ vì chính phủ Mỹ quyết định hợp tác với Boeing trong dự án phát triển tiêm kích F-47.

Chấn động với phao cứu sinh của ông lớn hàng không Mỹ

Logo Boeing tại trụ sở ở bang Chicago, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động giới quan sát ngành công nghiệp khi chọn Boeing làm nhà thầu chế tạo tiêm kích thế hệ tiếp theo F-47 cho quân đội Mỹ, thay vì Lockheed Martin.

Ngày 21.3, bất chấp việc Boeing chưa sản xuất bất kỳ mẫu máy bay quân sự hay thương mại nào mới trong hơn một thập kỷ qua, Lầu Năm Góc vẫn quyết định trao cho Boeing hợp đồng tiêm kích tham vọng và đắt đỏ nhất từ trước đến nay.

Điều này cũng khiến các quan chức của Lockheed Martin không khỏi thất vọng.

Hợp đồng trị giá hơn 50 tỉ USD mang ý nghĩa rất lớn đối với Boeing trong thời điểm này, tạo cơ hội xoay chuyển tình thế khi công ty liên tục đối mặt với khó khăn tài chính, bê bối an toàn liên quan đến dòng máy bay 737 MAX và hàng loạt sự chậm trễ trong các dự án khác.

Quyết định của Lầu Năm Góc được coi là “phao cứu sinh” cho Boeing khi công ty được hưởng thỏa thuận cộng thêm lợi nhuận. Theo đó, chính phủ sẽ chịu mọi chi phí phát triển và đảm bảo lợi nhuận - khác biệt đáng kể so với các hợp đồng giá cố định gần đây vốn khiến mảng quốc phòng của Boeing thua lỗ hàng tỉ USD.

Tiêm kích F-47 được thiết kế để hoạt động cùng các máy bay không người lái bán tự động, sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến và khả năng chiến đấu tầm xa, đóng vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh sức mạnh quân sự với các cường quốc.

Tổng thống Mỹ công bố dự án phát triển tiêm kích thế hệ 6 F-47. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ công bố dự án phát triển tiêm kích thế hệ 6 F-47. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về kinh nghiệm hạn chế của Boeing trong công nghệ tàng hình cũng như những thách thức mà hãng đang gặp phải ở các dự án quốc phòng khác.

Nhà phân tích Ron Epstein của Ngân hàng Mỹ nhấn mạnh, Boeing cần tuyển dụng nhiều kỹ sư có trình độ cao để thực hiện thành công dự án F-47 trong bối cảnh công ty “không còn là trung tâm sản xuất tiêm kích như trước đây.”

Các mẫu tiêm kích hiện tại của Boeing đều được phát triển trước khi công ty sáp nhập với McDonnell Douglas vào năm 1997. Mẫu máy bay quân sự gần đây nhất của hãng - máy bay huấn luyện T-7 - cũng được đồng phát triển với Saab, thay vì sản xuất độc lập.

Boeing đã vượt qua hai tập đoàn giàu kinh nghiệm sản xuất tiêm kích tàng hình là Lockheed Martin và Northrop Grumman để giành hợp đồng. Tuy nhiên, hãng lại tỏ ra chậm trễ với dự án F-47 khi thông báo với Không quân Mỹ rằng việc bàn giao sẽ diễn ra sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Điều này khiến Tổng thống Trump thúc giục CEO Boeing, Kelly Ortberg, đẩy nhanh tiến độ.

Sau đó, Boeing đã quyết định đầu tư hơn 2 tỉ USD để mở rộng các cơ sở tại St. Louis, bang Missouri, nhằm chuẩn bị cho dự án này. Quyền giám đốc mảng quốc phòng Boeing, Steve Parker, gọi đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử mảng quốc phòng của công ty.

Theo WSJ, ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ thứ 47 - đã đích thân công bố dự án này, như muốn liên hệ con số 47 của máy bay với nhiệm kỳ của mình. Ông Trump tuyên bố không gì có thể sánh ngang với tốc độ, khả năng cơ động và sức tải của F-47, đồng thời khẳng định đây là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất, mạnh nhất, sát thương nhất từng được chế tạo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật