A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Campuchia đang ổn định nhờ xuất khẩu

Nền kinh tế Campuchia đang thể hiện những dấu hiệu phục hồi tổng thể trong năm nay, nhờ thanh khoản cải thiện và xuất khẩu gia tăng, theo báo cáo có tiêu đề “Bức tranh và triển vọng kinh tế năm 2024" của Công ty tư vấn đầu tư Mekong Strategic Capital (MSC) mới được công bố gần đây.

Theo báo cáo, Campuchia đón nhận triển vọng tích cực cho năm 2024 và xa hơn sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc đáng kể và đã làm giảm tăng trưởng kinh tế tổng thể cũng như nhu cầu trong nước từ giữa năm 2022.

Về thanh khoản thị trường, báo cáo của MCS nêu rõ, tình trạng thắt chặt tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây đã gây ra sự sụt giảm thanh khoản đáng kể trong lĩnh vực tài chính tại Vương quốc.

Và tình trạng thắt chặt này biểu hiện rõ nhất trong nửa cuối năm 2022. Thời điểm đó, việc giải ngân các khoản vay mới chạm mức thấp nhất, dẫn đến sự trì trệ trong tăng trưởng cho vay mới của các ngân hàng và công ty tài chính có trụ sở tại quốc gia Đông Nam Á này, qua đó đã làm giảm đáng kể nhu cầu trong nước.

Tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn đó cũng tăng lên, tỷ lệ nợ tồn đọng cao và tiếp tục làm giảm việc cho vay mới.

Tuy nhiên, theo kết quả của báo cáo MSC, tình hình thanh khoản đang cải thiện trong năm nay.

Theo báo cáo, chu kỳ lãi suất trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt đỉnh. So với năm ngoái, thị trường tài chính Campuchia hiện đang "ngập trong thanh khoản".

Dù vậy, báo cáo cũng lưu ý đến một tỷ lệ lớn các nhà cho vay vẫn tập trung vào việc thanh toán những khoản  cho vay trước đó thay vì thu hút những khoản vay mới. Điều đó có có thể sẽ khiến tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp trong giai đoạn tới do hạn chế tiếp cận khoản vay mới.

Báo cáo cũng cho biết nợ tồn đọng vẫn ở mức cao. Theo đó, tính đến giữa năm 2024, trung bình 1/13 nhà cho vay đối diện với tình trạng chậm trả và nợ tồn đọng quá hạn 30 ngày.

Tuy nhiên, thống kê này dự kiến sẽ cải thiện trong giai đoạn nửa cuối năm và thời gian sau đó khi thu nhập hộ gia đình tăng trưởng và lãi suất giảm.

Cũng theo báo cáo của MSC, tiền gửi của khách hàng cũng đang tăng trở lại trong thời gian gần đây. Theo đó, trong nửa đầu năm nay, tiền gửi tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về xuất khẩu hàng may mặc, dệt may và giày dép (GTF), xu hướng tăng trưởng gần đây cũng được xem xét trong báo cáo MCS và là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi kinh tế tổng thể trong năm 2024. Hàng may mặc, dệt may và giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ chốt và mang lại nguồn thu nhập chính cho người lao động Campuchia.

Báo cáo cho rằng ngành hàng may mặc, dệt may và giày dép đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể từ nửa cuối năm 2022 đến cuối năm 2023. Điều  đó đã gây ra sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng kinh tế tổng thể.

Tuy nhiên, hiện ngành này đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Theo đó, xuất khẩu sản phầm ngành này trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Củng cố cho kết quả khả quan đó, một báo cáo gần đây của Bộ Thương mại Campuchia (MoC) đã xác nhận rằng Vương quốc đã xuất khẩu 6.246 tỷ USD sản phẩm hàng may mặc, dệt may và giày dép trong nửa đầu năm 2024, tăng 16.5% so cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo của MSC đã nhấn mạnh vai trò của ngành hàng may mặc, dệt may và giày dép đối với sự phục hồi kinh tế tổng thể của quốc gia trong thời gian gần đây và triển vọng tích cực về trung hạn. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng lĩnh vực này vẫn còn khá biến động và đề xuất Vương quốc cần thận trọng khi tiến về phía trước.

MSC đã lưu ý đến những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn vấn đề liên quan đến các quy tắc xuất xứ của Mỹ, có thể nhanh chóng làm giảm tăng trưởng của ngành hàng may mặc, dệt may và giày dép trong thời gian tới.

Cũng theo báo cáo của MSC, trong thời gian tới, tăng trưởng có thể sẽ được thúc đẩy nhờ sự đa dạng hóa trong lĩnh vực sản xuất cùng với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Báo cáo đồng thời ca ngợi chính quyền Thủ tướng Hun Manet đã thu hút các khoản đầu tư mới và ngày càng đa dạng. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể trong trung và dài hạn.

Trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp dù rằng thanh khoản tăng và tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu, báo cáo của MSC cũng đề xuất Chính phủ Campuhia bổ sung thêm kích thích tài chính để thúc đẩy nhu cầu.


Tác giả: Khai Tâm (Theo Khmer Times)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật