A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một bang của Mỹ vượt Nhật về GDP, vươn top 4 thế giới

California, bang duy nhất được ví như một quốc gia trong lòng nước Mỹ, chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Một bang của Mỹ vượt Nhật về GDP, vươn top 4 thế giới

Một siêu thị ở Rosemead, Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: Xinhua

Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), với tổng GDP danh nghĩa đạt 4.100 tỉ USD, bang California đã vượt qua con số 4.020 tỉ USD của Nhật Bản, một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Siêu bang ven Thái Bình Dương giờ đây chỉ còn đứng sau ba cái tên: Mỹ, Trung Quốc và Đức.

“California không chỉ bắt kịp thế giới, chúng tôi đang dẫn đầu thế giới” - ABC7 dẫn lời Thống đốc Gavin Newsom tuyên bố đầy tự hào.

“Kinh tế của chúng tôi phát triển vì chúng tôi đầu tư vào con người, ưu tiên phát triển bền vững và tin vào sức mạnh của đổi mới. Nhưng thành quả này không miễn nhiễm với các chính sách thuế quan liều lĩnh từ chính quyền liên bang. Nền kinh tế của California thúc đẩy quốc gia và nó phải được bảo vệ” - Thống đốc Gavin Newsom nhấn mạnh.

Điều càng đáng chú ý là California chỉ có khoảng 40 triệu dân, chưa bằng 1/3 dân số Nhật Bản, nhưng lại tạo ra giá trị kinh tế vượt trội nhờ công nghệ, sáng tạo và văn hóa.

Nền kinh tế của bang này là sự kết hợp hiếm có giữa thung lũng công nghệ Silicon Valley, ngành giải trí Hollywood, nông nghiệp quy mô lớn tại Central Valley, và một ngành du lịch phát triển mạnh.

Ngành giải trí Hollywood đóng góp đáng kể vào kinh tế California. Ảnh: Xinhua

Ngành giải trí Hollywood đóng góp đáng kể vào kinh tế California. Ảnh: Xinhua

Chỉ riêng khu vực công nghệ quanh San Francisco đã đóng góp hàng trăm tỉ USD cho GDP hàng năm, với các "ông lớn" như Apple, Google, Meta, NVIDIA… đặt trụ sở tại đây.

Không chỉ có công nghệ, các lễ hội văn hóa và âm nhạc của California cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Thống đốc Newsom nhấn mạnh vai trò của lễ hội Coachella và Stagecoach - hai sự kiện thu hút hàng trăm nghìn người mỗi năm - khi mang lại khoảng 700 triệu USD cho kinh tế địa phương.

“Những sự kiện như Coachella không chỉ là điểm đến du lịch. Chúng tạo ra việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, từ nhà hàng đến nhà cung cấp thiết bị” - ông Newsom nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng thành công của California không phải là mãi mãi. Với mức sống và chi phí sinh hoạt cao nhất nước Mỹ, cùng với những thách thức về nhà ở, hạn hán và biến đổi khí hậu, bang này cần có chiến lược dài hơi để duy trì vị thế.

Bên cạnh đó, những bất ổn chính trị và kinh tế từ cấp liên bang, bao gồm các chính sách thuế quan hoặc hạn chế đầu tư từ Washington, cũng có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của California với các nhà đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, việc một bang, chứ không phải một quốc gia, vươn lên vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế toàn cầu đặt ra nhiều câu hỏi về trật tự địa - kinh tế truyền thống. Nó phản ánh vai trò ngày càng lớn của các trung tâm đổi mới, sáng tạo, và cho thấy sức mạnh mềm, từ văn hóa đến công nghệ, có thể tạo ra giá trị kinh tế vượt trội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật