A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủng hộ Ukraina, nhưng ví tiền EU vẫn ưu tiên khí đốt Nga

Liên minh châu Âu (EU) chi nhiều tiền mua khí đốt Nga hơn cả viện trợ Ukraina trong năm 2024.

Ủng hộ Ukraina, nhưng ví tiền EU vẫn ưu tiên khí đốt Nga

Một cơ sở khí đốt Nga. Ảnh: Gazprom

Dù luôn thể hiện là bên ủng hộ mạnh mẽ Kiev trong cuộc xung đột với Mátxcơva, EU trên thực tế lại chi nhiều tiền hơn cho việc mua khí đốt Nga trong năm 2024 so với tổng số viện trợ dành cho Ukraina.

Thông tin do Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen xác nhận trong cuộc phỏng vấn với báo La Repubblica (Italy) đang làm dấy lên tranh cãi về tính nhất quán trong chính sách đối ngoại và năng lượng của khối.

“Ngay trong năm 2024, chúng ta đã chi nhiều tiền hơn cho việc mua khí đốt từ Nga so với tổng giá trị hỗ trợ Ukraina. Đó là một nghịch lý” - ông Dan Jorgensen phát biểu về tình thế mà EU đang vướng phải.

Tuyên bố này làm rõ một thực tế: Dù các lệnh trừng phạt kinh tế và tuyên bố chính trị liên tiếp được đưa ra nhằm vào Nga, nhưng dòng tiền từ châu Âu vẫn tiếp tục chảy về Mátxcơva thông qua việc nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt.

EU vẫn mua khí đốt và LNG Nga trong năm 2024. Ảnh: TASS
Ủy ban châu Âu đề xuất cấm toàn bộ việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt qua đường ống từ Nga trước cuối năm 2027. Ảnh: TASS

Ủy viên Jorgensen tái khẳng định mục tiêu của Ủy ban châu Âu là chấm dứt hoàn toàn việc mua khí đốt Nga vào năm 2027, như một phần trong chiến lược chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an ninh khu vực. Theo ông, con đường phía trước sẽ tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo và hạt nhân, để tránh rơi vào “một sự phụ thuộc mới”.

“Chúng ta phải cẩn trọng để không lặp lại sai lầm cũ - chuyển từ một sự lệ thuộc này sang một sự lệ thuộc khác. Do đó, EU đang đa dạng hóa nguồn cung. Hiện nay, Na Uy là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của chúng tôi, tiếp theo là Mỹ” - ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Jorgensen cũng thừa nhận rằng việc nhập khẩu từ Mỹ chỉ mang tính tạm thời và không thể kéo dài, bởi mục tiêu dài hạn của EU là độc lập hoàn toàn về năng lượng bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn sạch và bền vững.

Dữ liệu cụ thể về số tiền mà EU chi cho khí đốt Nga trong năm 2024 chưa được công bố chính thức, nhưng các chuyên gia ước tính con số này có thể lên tới hàng chục tỉ euro, trong khi tổng viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về ngân sách và sự đồng thuận giữa các nước thành viên.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cấm toàn bộ việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt qua đường ống từ Nga trước cuối năm 2027. Lệnh cấm này sẽ được thực thi dần dần từ ngày 1.1.2026.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật