100 triệu tài khoản Zalo bị hack, rất khó lường hậu quả
Thông tin 100 triệu tài khoản Zalo bị hack gây lo lắng cho những người dùng ứng dụng này.
Một tin tặc có biệt danh "binanhang123" trên diễn đàn hacker mới đây tuyên bố đã tấn công và khai thác dữ liệu của 100 triệu người dùng Zalo tại Việt Nam.
Không chỉ công khai thông tin trên mạng xã hội, tài khoản "binanhang123" chứng minh cho tuyên bố của mình bằng cách đăng kèm một bản trích dữ liệu đã được che một phần để các thành viên khác trên diễn đàn có thể kiểm tra.
Nếu đúng 100 triệu tài khoản Zalo bị hack, sẽ có nhiều người bị lộ lọt thông tin quan trọng, riêng tư. Khi người dùng bị lộ thông tin, bọn tội phạm mạng hoàn toàn có thể khai thác dữ liệu đó để thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Có thể hình dung, bọn tội phạm lấy thông tin căn cước công dân, sổ đỏ, sổ hồng mà chủ tài khoản lưu lại trên ứng dụng để làm giấy tờ giả, lừa đảo, vay nợ, cầm cố. Nạn nhân sẽ đối mặt với rất nhiều chuyện phức tạp, hậu quả rất khó lường.
Còn nhiều nhóm làm ăn, đơn vị kinh doanh sử dụng ứng dụng này để trao đổi thông tin, cho nên rất lo lắng bị kẻ xấu sẽ khai thác để làm những việc nguy hiểm, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, thậm chí là liên quan tới pháp luật.
Ngoài chuyện làm ăn, có không ít người sử dụng ứng dụng này như là góc bí mật của mình để chia sẻ tình cảm cá nhân, để lại hình ảnh, tin nhắn mà không hề đề phòng. Những hình ảnh và câu chuyện riêng tư đó có thể bị kẻ xấu lợi dụng, gây rắc rối, thậm chí bị tống tiền.
Gần đây, từng xảy ra những vụ lắp ghép hình ảnh dựng chuyện quan hệ bất chính, gây đau khổ cho nạn nhân và gia đình.
Người dùng rất cần phản hồi từ phía Zalo, xác minh hay phủ nhận thông tin về vụ bị hack này. Trong khi chờ đợi thông tin chính thức từ zalo, người dùng cần bình tĩnh, vì có thể chỉ là lời "đe dọa" hay "tin đồn thất thiệt".
Tuy nhiên, vụ này cũng là tiếng chuông cảnh báo, mỗi người phải cẩn trọng hơn khi sử dụng các ứng dụng, phải biết bảo vệ tài khoản của mình, hạn chế đưa thông tin cá nhân quan trọng lên zalo hay bất kỳ ứng dụng nào.
Con người thời nay sống với chiếc điện thoại thông minh và bị ràng buộc bởi "hệ sinh thái" công nghệ và ứng dụng khó thoát ra được. Giao tiếp, trao đổi thông tin đều phải sử dụng điện thoại thông minh và các nền tảng, nhưng không nhiều người biết cách tự bảo vệ mình.
Ngoài việc mỗi người phải học cách tồn tại trong "hệ sinh thái" công nghệ và các ứng dụng, các cơ quan quản lý cần tăng cường trách nhiệm, ngăn chặn bọn tội phạm mạng để bảo vệ người dân.
Đã đến lúc phải xem đem đến sự an toàn trên không gian mạng cho người dân cũng quan trọng như trong đời sống hằng ngày.