Lễ Dâng trâu tế trời đền Chín Gian có gì đặc biệt?
Dâng trâu tế trời đền Chín Gian ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) là lễ hội có nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Trong 2 ngày 21, 22/2 - tức 24, 25 tháng Giêng, tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa sẽ diễn ra lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian. Đây là lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc của huyện Như Xuân.
Đền Chín Gian xưa có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (hay còn gọi là đền Hiến Trâu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ “Pú Pỏm” và cạnh dòng suối Tốn, thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ xa xưa, nơi đây diễn ra lễ hội Dâng trâu tế trời là nghi thức tín ngưỡng tri ân những người đã có công xây bản, lập mường, những người có công với nước; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc
![]() |
Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/2/2025 (tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch) với các các nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu, cúng tế và độc đáo nhất là nghi lễ tắm trâu và hiến trâu tế thần tại sân Đền Chín Gian. Ảnh Truyền hìnhThanh Hóa. |
Trước sân đền tái dựng hình ảnh 9 con trâu đá, 6 trâu đen, 3 trâu trắng và 9 giếng tượng trưng cho những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái và tạo nên sự hấp dẫn của ngồi đền Chín Gian.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ tế hàng năm diễn ra vào cuối tháng 6 âm lịch, có 9 mường tham gia. Từ sau năm 1944 lễ tế không còn được tổ chức, vì vậy ngôi đền dần xuống cấp. Từ tháng 4/2016, đền được khởi công tôn tạo và hoàn thành vào tháng 9/2017. Đền được phục dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm chín gian trên nền của ngôi đền cũ.
Việc tham gia lễ hội hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín Gian bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang tính truyền thống, không khí tươi vui của lễ hội còn tưng bừng hơn với phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: tục cầu mưa của người Thái, hò vè giao duyên, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, hội thi người đẹp dân tộc trong trang phục truyền thống, múa cây bông, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng chuyền da nam...
Lễ vật đặc trưng và quan trọng nhất của lễ hội dâng trâu tế trời là con trâu tơ khỏe mạnh, chưa dùng cày kéo và không có các dị tật cơ thể. Đồng thời, tại buổi lễ, mỗi mường phải chuẩn bị thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ, 90 cặp cá khô và một chum rượu cần (lẩu xá).
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Như Xuân cho biết: “Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội dâng trâu đã hoàn thành, trong ngày mai sẽ diễn ra các hoạt động thể thao, thi trang phục, ngày kia (ngày 22/2-PV) là đại lễ. Thời gian tới huyện sẽ chủ động phối hợp với các cấp, các ngành có thẩm quyền để xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Đền được gọi là “Chín Gian” bởi kiến trúc đặc trưng gồm chín gian thờ chính, tượng trưng cho sự hòa hợp giữa trời, đất và con người. Đây là nơi thờ các vị thần linh và anh hùng dân tộc có công bảo vệ đất nước, đồng thời là không gian văn hóa tâm linh quan trọng đối với cộng đồng dân cư. Đền Chín Gian được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2015. |