A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến ùn tắc cả ngày đêm khiến Hà Nội thêm ô nhiễm

Đại diện Sở TNMT Hà Nội cho rằng việc ùn tắc giao thông cả ngày lẫn đêm khiến thành phố thêm phần ô nhiễm.

Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến ùn tắc cả ngày đêm khiến Hà Nội thêm ô nhiễm

Ghi nhận thực tế của PV vào khoảng 9h30 sáng nay, để di chuyển từ đoạn số 15 Khuất Duy Tiến đến nút giao (khoảng 700m, đi bằng xe máy) mất gần 15 phút. Ảnh: Tô Thế

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.

Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58-74%) cho bầu không khí thành phố.

Ùn tắc cả ngày lẫn đêm khiến không khí thêm phần ô nhiễm

Tại Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội do báo Tiền Phong tổ chức, bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TPHCM do nhiều nguyên nhân.

Trong đó nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.

Bà Lưu Thị Thanh Chi nhận định những ngày vừa qua tuyến Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến tắc cả ngày lẫn đêm. Ảnh: BTC

Bà Lưu Thị Thanh Chi nhận định những ngày vừa qua, tuyến Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến tắc cả ngày lẫn đêm. Ảnh: BTC

"Nguyên nhân nữa, cuối năm, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm. Thời gian qua, báo chí đưa tin rất nhiều về tình trạng ùn tắc giao thông như tuyến Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, các tuyến đường vành đai, ùn tắc cả ngày, đến đêm rồi vẫn ùn tắc. Mấy ngày nay rất nhức nhối ở tuyến đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi - đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí cao. Thông thường đến đêm, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm nhưng do lưu lượng giao thông quá lớn và ùn tắc đến tận đêm nên chất lượng không khí bị ảnh hưởng cả ngày cả đêm" - bà Chi nói.

Cũng theo bà Chi, thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.

Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước nhằm phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là hai quận có mật độ dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.

Hồ Tây chìm trong lớp sương mờ ô nhiễm. Ảnh: Trang Hà

Hồ Tây chìm trong lớp sương mờ ô nhiễm. Ảnh: Trang Hà

Không khí "có chân", ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác

Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TNMT cho biết, qua theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục Môi trường, có thể thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm, đây là vấn đề thực sự lo ngại. Không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí.

Bà Ánh nói về 6 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Ảnh: BTC

Bà Nguyễn Hoàng Ánh nói về 6 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Ảnh: BTC

Có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mở; dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm "chăn ấm" của khí hậu thời tiết ủ vào khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ TNMT chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.

Ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác..., cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ như hoạt động của các nhà máy xi măng tại Hà Nam, hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật