A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều người bỏ xe máy, chuyển sang đi buýt điện

Không khói bụi, không tắc đường, chi phí thấp hơn xe máy, xe buýt điện đang dần trở thành lựa chọn của nhiều người dân Hà Nội.

Nhiều người bỏ xe máy, chuyển sang đi buýt điện

Bên trong xe buýt điện 05 Mai Động - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chiều 12.2. Ảnh: Hữu Chánh

Chuyển sang buýt điện để đi làm

Chị Lê Thị Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trước đây luôn vất vả mỗi sáng khi đi xe máy đến quận Cầu Giấy để làm việc. Tuy nhiên, từ khi có tuyến buýt điện kết nối khu chung cư chị ở với nơi làm việc, chị đã thử trải nghiệm và quyết định từ bỏ xe máy để chuyển sang buýt điện. "Xe buýt điện không ô nhiễm, không có mùi dầu gây say xe, điều hòa mát lạnh, phục vụ văn minh, hiện đại" - chị Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, quận Hà Đông) cho biết, trước đây chị không thích đi xe buýt vì các tuyến xe cũ thường có mùi hôi, xuống cấp, chưa kể khói đen xả ra khi xe nhấn ga. "Từ khi xe buýt điện xuất hiện, mọi thứ thay đổi hẳn. Xe chạy êm ru, thái độ phục vụ chu đáo, có cả wifi và cổng sạc điện thoại. Tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều" - chị Hoa nói.

Sau một tháng trải nghiệm xe buýt điện, chị Hoa và nhiều đồng nghiệp đều quyết định chuyển hẳn sang phương tiện này để giảm chi phí và tránh khói bụi. Theo chị, để xe buýt điện trở thành lựa chọn phổ biến, Hà Nội cần mở rộng thêm các tuyến đường sử dụng phương tiện này.

Buýt điện - lựa chọn thay thế xe cá nhân

Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco, cho biết, doanh nghiệp đã nghiên cứu, lắp đặt hệ thống trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện để triển khai 46 xe buýt điện. Đây được xem là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh.

Thực tế, trước đây, nhiều người cho rằng xe buýt chỉ phù hợp với sinh viên và người cao tuổi, trong khi người đi làm ít sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay có đến 89% khách hàng sử dụng thẻ tháng của VinBus là người đi làm. Điều này cho thấy khi dịch vụ được cải thiện, xe buýt điện hoàn toàn có thể thay thế xe cá nhân. Do xu hướng người đi làm chọn xe buýt điện ngày càng tăng, VinBus đang tập trung đầu tư vào nhóm khách hàng này.

Hà Nội đẩy mạnh giao thông xanh

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngày 18.11.2024, thành phố đã ban hành đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh, với mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ xe buýt Hà Nội sẽ sử dụng năng lượng sạch.

Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu cho thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt điện, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng trạm sạc.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng bộ đơn giá và định mức vận hành xe buýt điện làm cơ sở triển khai đấu thầu các tuyến mới. Đây được xem là bước đi quan trọng để đảm bảo xe buýt điện có thể hoạt động bền vững, thu hút người dân chuyển đổi từ xe máy sang phương tiện giao thông công cộng.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của xe buýt điện là giá vé hợp lý và tiện ích đi kèm. Hiện tại, giá vé tháng xe buýt điện tại Hà Nội dao động từ 70.000 - 280.000 đồng/tháng, tùy theo đối tượng và loại vé. Trong khi đó, chi phí xăng xe máy trung bình rơi vào khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng. Với mức giá này, việc lựa chọn xe buýt điện không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn mang lại trải nghiệm di chuyển tiện nghi, giảm áp lực giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cần đẩy nhanh phát triển xe buýt điện

Việc mở rộng hệ thống xe buýt điện không chỉ góp phần giảm ô nhiễm mà còn giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Tuy nhiên, để xe buýt điện trở thành phương tiện di chuyển phổ biến, cần đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng, mở rộng tuyến đường và đảm bảo trải nghiệm tốt cho hành khách.

Nhiều hành khách cho rằng, để thu hút thêm người sử dụng, thành phố cần ưu tiên các tuyến buýt điện chạy qua khu vực đông dân cư, khu văn phòng và các khu đô thị mới. Nếu làm tốt, giao thông xanh có thể trở thành tương lai của Hà Nội, giúp cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng sống của người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật