Phụ huynh “mừng rơi nước mắt” vì nhà trường trông con miễn phí
Khi thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về việc con em không còn được học bồi dưỡng kiến thức vào buổi chiều, cũng như phải đón con sớm hơn thường ngày 1 tiếng. Linh hoạt trong cách tiếp nhận Thông tư 29, trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định trông giữ học sinh miễn phí sau giờ học.
Giáo viên không ngại khó, phụ huynh thở phào nhẹ nhõm
Với 3 không: không phụ thu, không tính toán thiệt hơn, không kêu ca, toàn hệ thống trường Tiểu học Yên Nghĩa sẵn lòng hỗ trợ phụ huynh vì an toàn của học sinh, tiện lợi của cha mẹ.
Chị Vũ Thị Quyên, sinh năm 1991, phụ huynh em Nguyễn Minh Nhật lớp 1A1, trường Tiểu học Yên Nghĩa mừng rỡ chia sẻ: “Nhà tôi có 2 cháu lớp 3 và lớp 1. Nhờ có nhà trường trông giúp bố mẹ đến 16 giờ 30 phút chiều đã hỗ trợ rất nhiều cho gia đình tôi. Bản thân tôi làm giờ hành chính đến 17 giờ 30 phút mới về, mà giờ đấy đương nhiên không đón được con, xin về sớm thì công việc không biết nhờ vào ai.
Học sinh lớp 3A1 trường Tiểu học Yên Nghĩa trong giờ trông trẻ miễn phí sau giờ học. |
Hôm nay cháu lớp 1 bị ốm nên tôi xin nghỉ ở nhà mới có thời gian đi đón cháu đầu, còn những ngày sau gia đình đang thu xếp nhờ gửi con cho một bác phụ huynh đón và trông hộ đến khi mình đi làm về.”
Đồng tình với chị Quyên, chị Đặng Thị Luyến, 38 tuổi, phụ huynh có con học lớp 3 trường Tiểu học Yên Nghĩa cho hay, gia đình thở phào nhẹ nhõm khi nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm thông báo hỗ trợ bố mẹ trông con sau giờ học. “Khi phong thanh nghe tin cấm dạy thêm, học thêm và 1 tuần có 2 ngày bố mẹ phải đón con sớm hơn bình thường 1 tiếng, nhiều phụ huynh lớp con tôi đã bàn với nhau cứ 5 phụ huynh gần nhà nhau thành 1 nhóm hỗ trợ đón con của nhau. 5 người thay phiên nhau nghỉ trong tuần để đón và trông con đến khi phụ huynh khác đi làm về”, chị Luyến chia sẻ thêm.
Học sinh trường TH Yên Nghĩa, Hà Đông trong giờ các cô giáo trông miễn phí chờ cha mẹ tới đón |
Các em nhỏ thích thú tham gia trò chơi cờ vua, vẽ tranh sau giờ học thay vì chỉ ngồi chờ đợi. |
“Chưa bao giờ nghĩ mình thiệt cả” – câu nói của cô giáo Nguyễn Thị Bình (giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, trường Tiểu học Yên Nghĩa) có lẽ đã nói lên tinh thần chung của các thầy cô trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.
Không chỉ đứng lớp truyền đạt kiến thức, các thầy cô còn âm thầm trở thành những người bảo mẫu sau giờ học chính khóa, giúp các bậc phụ huynh yên tâm làm việc mà không phải cuống cuồng chạy về đón con giữa giờ.
Trước khi Thông tư 29 được áp dụng, theo cô Nguyễn Thị Bình tối nào cô cũng tiếp nhận chục cuộc điện thoại, dồn dập tin nhắn hỏi han với cùng một nỗi lo lắng chung “Tiểu học có như cấp 2”, khi con về đúng giờ theo tiết chính khoá.
“Ngay sau nghỉ Tết, nhà trường đã họp hội đồng và hỏi tất cả giáo viên chủ nhiệm về những băn khoăn của phụ huynh trong thời gian qua. Trước sự chủ động, tinh thần tự nguyện của đội ngũ giáo viên, Ban Giám hiệu và thầy cô nhất trí quyết định giữ học sinh sau giờ học giúp phụ huynh và không thu thêm bất kỳ khoản phí nào cả. Còn phụ huynh nào đón được, hay gia đình có ông bà, người giúp việc thì thầy cô rất vui vẻ và hẹn đón con ở cổng trường, sau đó bố mẹ báo tin con đã về nhà an toàn với cô thông qua nhóm Zalo của lớp. Làm thế để cả mình và gia đình đều yên tâm con đã về đến nơi, đến chốn”, cô Bình chia sẻ.
Các em nhỏ trường TH Yên Nghĩa, Hà Đông thích thú tham gia các hoạt động vui chơi sau giờ học. |
Sau vài ngày triển khai kế hoạch trông giữ trẻ miễn phí, riêng lớp cô Bình có 4 phụ huynh có thể đón con từ 15giờ 30 phút theo lịch học, còn lại nhờ thầy cô giúp đỡ trông giữ con đến 16 giờ 30 theo lịch cũ. Với lớp cô giáo Nguyễn Thị Bình chủ nhiệm, để giúp các con không cảm thấy chán trong quỹ thời gian trống cũng như tăng thêm sự gắn kết tình bạn, cô Bình cùng hội phụ huynh đồng nhất ý kiến tạo những hoạt động như chơi cờ vua, cờ cá ngựa, vẽ tranh, đọc sách…
Ngoài ra, nhằm đảm bảo không có tình trạng đón con ồ ạt, học sinh chờ đợi bố mẹ quá lâu, trường Tiểu học Yên Nghĩa thông báo từng lớp ra khỏi cổng trường theo loa. Học sinh mỗi lớp sẽ xếp thành 2 hàng dọc, bạn đầu tiên cầm biển lớp và cùng cô giáo đi gọn gàng ra đến cổng trường.
Phụ huynh giảm bớt một gánh lo, nhưng tăng thêm một trách nhiệm
Ngoài câu chuyện phải thay đổi giờ đón con, theo một hướng khác, khi Thông tư 29 được đưa ra là lúc cha mẹ tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: phụ huynh có thực sự sẵn sàng đồng hành cùng con trong việc học?
Nhiều người đầu tư cho con cái của mình học nhiều trung tâm, nhiều kỹ năng mềm mới, ngoài việc giúp con phát triển bản thân còn nhằm giúp bố mẹ có thêm thời gian để giải quyết công việc đang còn ứ đọng.
Chị Lê Thị Tuyết (32 tuổi, hộ khẩu Đan Phượng, Hà Nội) bộc bạch: “Ngoài công việc hành chính, thực sự còn "tá việc" không tên khác mà bản thân phải tôi từ cơ quan về đến nhà. Bố mẹ muốn dành thời gian cho con 1 đến 2 tiếng vào buổi tối, sau đó cũng phải giải quyết công việc của mình đến tận đêm khuya. Ngày nào cũng mệt mỏi như vậy, tinh thần ai cũng sẽ cáu gắt”.
Học sinh trường Tiểu học Yên Nghĩa xếp hàng ngay ngắn, chờ đón theo lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. |
Còn theo chị Lê Thị Vân Anh, phụ huynh bé Hà Lê Tuệ Lâm, lớp 1A6, trường Tiểu học Yên Nghĩa chia sẻ rằng việc nhà trường không còn dạy tăng cường môn văn hoá vào cuối buổi chiều khiến chị và gia đình phải kèm con nhiều hơn. Nếu như trước đây có lớp bổ trợ, con đã làm gần hết bài tập ở trường, thì nay bố mẹ phải tự mình kèm cặp giúp còn hoàn thành toàn bộ khối lượng sách vở ấy.
“Bình thường mình chỉ kèm con con khoảng 2 tiếng, giờ thành 4 tiếng. Bé mới học lớp 1, trường mới, bạn mới, cách học mới, nhiều cái con phải tiếp thu, có những ngày con phải thức đến 21:30 - 22:00 mới được đi ngủ”, chị Vân Anh than thở.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình. Chị Vũ Thị Quyên, có con học lớp 1A1, bộc bạch: “Bạn lớp 3 thì đỡ, chứ bạn lớp 1 thì mất rất nhiều thời gian. Học viết, tập đọc, làm toán… tất cả đều cần sự kiên trì của bố mẹ.”
Phụ huynh trường Tiểu học Yên Nghĩa vui mừng đón con sau giờ học, yên tâm hơn khi có sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô giáo. |
Theo cô giáo Nguyễn Thị Bình, phụ huynh vẫn yên tâm khi con mình đang được học theo chương trình 2018. Đồng nghĩa, buổi sáng các thầy cô đã cố gắng dạy học sinh hết các môn và đến buổi chiều các con được thầy cô quan tâm ôn luyện. Thầy cô đã tăng cường dạy kiến thức cho các con triệt để trên lớp nên không nhất thiết phải dạy bổ trợ thêm các môn văn hoá.
Học theo chương trình mới, học sinh tiểu học không phải làm bài tập về nhà quá nhiều, tuy nhiên vẫn cần sự quan tâm sát sao từ bố mẹ để đảm bảo việc học không bị chểnh mảng, đồng thời giúp con tạo dựng nề nếp, rèn văn hoá tự học ngay từ những ngày đầu đến trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Bình chia sẻ: "Việc học chung với con, hay đơn giản chỉ là kiểm tra sách vở của con vào các buổi tối trước khi đến trường, cũng là một cách thể hiện tình yêu thương, gắn kết tình cảm của bố mẹ với con cái. Nó giống như những cái ôm, nụ hôn, hay sự "da tiếp da" mà chúng ta dành cho con khi còn bé. Tất cả đều ấm áp và vô cùng quan trọng cho sự hình thành nhân cách, sự phát triển của con sau này."
Sự thay đổi trong cách dạy và học thêm đã tác động không nhỏ đến quỹ thời gian của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời làm nổi bật vai trò quan trọng hơn bao giờ hết của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con cái trên con đường học tập. Giờ đây, nhiều cha mẹ không chỉ là người giám sát, quản lý thời gian học của con mà còn trở thành người bạn, người đồng hành, cùng con đi qua từng bước trưởng thành.