Cần lập “hàng rào” an toàn cho trẻ em
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2022 đến tháng 3/2025, cơ quan chức năng đã khởi tố 30 vụ án xâm hại tình dục trẻ em, trong đó từ năm 2024 đến nay có 15 vụ.
Thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều hướng gia tăng (Ảnh minh họa) |
Những con số đáng báo động
Trước thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn ngày càng gia tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND) vừa ban hành kiến nghị, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo vệ trẻ em.
Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Đông Hà, huyện Triệu Phong, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh…
Thống kê của VKSND tỉnh Quảng Trị cho hay, từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 30 vụ/29 bị can liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ riêng từ năm 2024 đến nay đã khởi tố 15 vụ.
Trong đó, tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” có 10 vụ/10 bị can, “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” có 13 vụ/10 bị can, “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” có 6 vụ/6 bị can, “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” có 1 vụ/3 bị can.
VKSND tỉnh Quảng Trị nhận định, các đối tượng phạm tội chủ yếu là lao động tự do hoặc nghề nghiệp không ổn định, ngày càng trẻ hóa (có trường hợp nhỏ nhất chỉ hơn 14 tuổi), trình độ học vấn thấp. Giữa đối tượng và nạn nhân thường có quan hệ quen biết (yêu đương, bạn bè, thậm chí là họ hàng). Đáng chú ý, có 11 nạn nhân dưới 13 tuổi, trong đó nhỏ nhất mới 5 tuổi; 7 vụ khiến nạn nhân mang thai, 4 vụ dẫn đến việc sinh con.
Ông Hà Quảng Hưng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị cho rằng, xâm hại tình dục để lại nhiều hệ luỵ đối với nạn nhân và xã hội, đặc biệt là trẻ em dưới 16 tuổi, chưa hoàn thiện về mặt thể chất, tâm sinh lý.
Trước hết, đó là những tổn thương về sức khỏe, danh sự, nhân phẩm mà người bị xâm hại phải gánh chịu. Tiếp đó, là mặc cảm, tự ti, dẫn đến những suy nghĩ, hành động khó kiểm soát, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về mọi mặt, cuộc sống tương lai của các trẻ em bị xâm hại.
Đối tượng Nguyễn Xuân Thành bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi hiếp dâm 2 chị em dưới 16 tuổi (Ảnh: VKSND tỉnh) |
Điển hình vụ việc xảy ra từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2023, đối tượng Nguyễn Dang (SN 1997, trú xã Phong Bình, huyện Gio Linh) có quan hệ yêu đương với cháu N.M.T (SN 2011, trú cùng xã). Lợi dụng sự cả tin của cháu T nên Dang đã 7 lần giao cấu với cháu T ở nhiều địa điểm khác nhau, dẫn đến cháu T mang thai.
Hay tháng 3 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Thành (SN 1980, trú tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về 2 tội danh “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”.
Theo cơ quan Công an, từ tháng 11/2022 đến 9/2024, lợi dụng quen biết với gia đình, sự cả tin của các bị hại, đối tượng Nguyễn Xuân Thành nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với hai chị em ruột là N.P.Đ.N (SN 2010) và N.P.P.N (SN 2012), trú cùng xã. Thành đã 3 lần thực hiện hành vi dâm ô đối với cháu N.P.P.N.
Tăng cường phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ mối quan hệ yêu đương, bị hại hạn chế về nhận thức, sự tò mò khám phá giới tính, ảnh hưởng của văn hoá phẩm, phim ảnh khiêu dâm, kích dục trên mạng xã hội.
Nguyên nhân tiếp theo là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội thiếu chặt chẽ, buông lỏng quản lý, giáo dục, quan tâm, thiếu trang bị kiến thức về tâm sinh lý, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục đối với trẻ em…
Theo đó, để giảm bớt những tổn thương ở các em, gia đình và cộng đồng hãy tạo ra cho trẻ một không gian an toàn, tránh khỏi mọi nguy hại khác về mặt thể chất và tinh thần có thể xảy ra đối với trẻ; đảm bảo bí mật cũng là một việc làm quan trọng giúp bảo vệ trẻ.
Tiếp theo, nên cho trẻ gặp các nhà chuyên môn để có sự hỗ trợ tốt hơn về mặt tâm lý.
Ngoài ra, muốn giảm thiểu xâm hại trẻ em cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ một cách hoàn chỉnh từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện sớm... đến hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý.
Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để xâm hại tình dục trẻ em (Ảnh minh họa) |
VKSND tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 90/KH-BCĐ ngày 11/5/2021 của Ban Chỉ đạo 138 UBND tỉnh về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, tận dụng các nền tảng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Theo VKSND tỉnh Quảng Trị, các Sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm, nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tổ chức xã hội, quản lý chặt chẽ các địa bàn trọng điểm, giám sát đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Đồng thời, kiểm soát nội dung độc hại trên mạng xã hội, ngăn chặn trẻ em tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, giám sát các trường hợp trẻ có nguy cơ bị xâm hại.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn học sinh có dấu hiệu bất thường, tạo môi trường lành mạnh để các em học tập, vui chơi, kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng nếu có dấu hiệu bị xâm hại.
Cơ quan chức năng cũng cần nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án xâm hại trẻ em, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.