A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân xót con khi sống ở xóm trọ tồi tàn

Cũng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình công nhân đã phải cho con trẻ xuống thành phố cùng sinh sống, làm việc. Cuộc sống xa nhà, đồng lương ít ỏi trong khi phải chi tiêu nhiều nên không còn cách nào khác, họ đành chấp nhận sống trong các xóm trọ xập xệ, rêu mốc với nỗi lo về nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực.

Công nhân xót con khi sống ở xóm trọ tồi tàn

Gia đình các công nhân sống trong những xóm trọ xập xệ ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du

10 năm vẫn chưa thoát khỏi xóm trọ tồi tàn

Những ngày nắng nóng đầu mùa, các khu trọ của công nhân ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa càng ngột ngạt, ồn ào hơn bởi không gian chật hẹp, ẩm thấp.

Trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông, anh Nguyễn Văn Tùng (37 tuổi, quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang hối hả lo bữa cơm tối cho gia đình 6 người. Cách đây hơn 10 năm vợ chồng anh quyết định từ quê xuống TP Thanh Hóa để làm việc tại Khu công nghiệp Lễ Môn. Những ngày đầu xuống thành phố, với đồng lương ít ỏi của công nhân, hai vợ chồng anh thuê một căn phòng nhỏ để làm nơi tá túc.

“Khi mới xuống thành phố, dù còn nhiều vất vả, thiếu thốn nhưng lương của 2 vợ chồng cũng đủ tiêu và có phần dễ thở. Sau khi sinh cháu trai đầu lòng, cuộc sống bắt đầu bước vào lúc khó khăn. Chúng tôi thường xuyên sống trong cảnh vay tiền tiêu trước, lấy lương trả sau” - anh Tùng nhớ lại.

Cũng theo anh Tùng, từ khi có con nhỏ, mọi chi tiêu trong gia đình đều phải tiết giảm hết mức có thể, thậm chí để có thêm thực phẩm, nhiều đêm sau buổi tan ca, anh lại cầm đèn pin ra cánh đồng trước xóm trọ để bắt cua, bắt lươn, có thêm thức ăn, đỡ đi phần chi phí mua thực phẩm.

Chị Ngọ Thị Huế - vợ anh Tùng cho biết, cũng vì cuộc sống công nhân khốn khó nơi thị thành, nên suốt hơn 1 thập kỷ qua, 2 vợ chồng phải cố bám trụ nơi xóm trọ nhỏ, ẩm thấp và rêu mốc, chỉ vì lý do là ở đây giá rẻ.

Chung tình cảnh như vợ chồng anh Tùng, chị Huế, chị Lê Thị Thủy (35 tuổi, ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tính đến nay, đã 10 năm chị phải xa gia đình, xuống làm công nhân ở Khu công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa), cuộc sống thuê trọ thiếu thốn đủ bề, ngày ngày phải sống trong những căn phòng nhỏ hẹp, mùa hè thì nóng nực, mùa mưa thì ẩm ướt.

“Cũng chính vì lý do đó, nên tôi đã phải gửi con ở quê nhờ ông bà trông hộ, mỗi tháng về thăm gia đình một lần. Biết rằng, các con xa mẹ là một thiệt thòi, nhưng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo phải chấp nhận thôi. Còn nếu đưa các con xuống thành phố cùng sinh sống, thì sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và tốn kém hơn nhiều” - chị Thủy cho hay.

Thương con lắm...

Chia sẻ thêm về cuộc sống của gia đình, chị Ngọ Thị Huế cho hay, là cha là mẹ ai cũng thương con, đặc biệt với những công nhân xa quê như chị, phải sống nơi xóm trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp lại càng thấm thía hơn. “Mỗi khi tan ca trở về phòng trọ, nhìn thấy con tập bò quanh chiếc chiếu mà thấy chạnh lòng, thương con lắm những chẳng biết phải làm sao...” - chị Huế nghẹn ngào.

Trẻ nhỏ sống cùng bố mẹ ở nhà trọ, ngoài thiệt thòi về không gian sống, còn phải đối diện với nhiều rủi ro bệnh tật. Bởi hầu hết các phòng trọ giá rẻ đều ẩm thấp, thậm chí rêu mốc phủ kín trên tường. Cùng với đó, việc nấu nướng, tắm giặt, vệ sinh, mùi trong phòng cũng tiềm ẩn nhiều mầm mống về bệnh tật cho trẻ nhỏ.

“2 đến 3 tháng vợ chồng em mới dám cho con về quê một lần vì mỗi lần về quê phải thuê xe khá tốn kém. Nếu ở thành phố, thi thoảng cũng chỉ dám đưa các con đến điểm vui chơi công cộng để thay đổi không khí” - chị Huế cho hay.

Theo chị Huế, dù sống nơi xóm trọ chật chội suốt nhiều năm liền, tuy nhiên chị chưa bao giờ dám mơ tới trong tương lai có thể mua được một căn hộ chung cư giá rẻ nào đó. Với gia đình chị hiện nay, việc quan trọng hàng đầu là lo sinh hoạt cho cả gia đình 6 người và đủ chi trả tiền cho 2 căn phòng trọ nhỏ đang thuê ở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan