Sau ca khúc 'tỷ view', nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tặng bộ sách nhạc 300 bài hát thiếu nhi
Sau ca khúc tỷ view "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa quyết định tặng bộ sách nhạc 300 bài hát thiếu nhi cho 7.000 giáo viên.
Món quà âm nhạc ý nghĩa dành cho thiếu nhi
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả bài hát hơn 3 tỷ view "Viết tiếp câu chuyện hòa bình” vừa quyết định gửi tặng 7.000 thầy cô, giáo viên âm nhạc và phụ huynh bộ sheet nhạc (quyển sách nhạc) 300 bài hát thiếu nhi do anh sáng tác (kèm cả clip dạy hát và cả beat karaoke). Trong đó có những bài như: “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Mẹ ơi có biết”, “Em muốn làm”, “Món quà tặng cô”, “Cảm ơn chú bộ đội”, “Bé đón Tết sang”…
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: NVCC |
Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, hiện đã có 7.000 thầy cô, giáo viên âm nhạc được anh gửi tặng bộ sách. Nhạc sĩ hy vọng, đây sẽ là nguồn tư liệu giúp các thầy cô có thêm động lực và niềm say mê để tiếp tục công việc ý nghĩa của mình, gieo những hạt mầm yêu thương và thẩm mỹ âm nhạc vào tâm hồn các con. “Chung sẽ cho đi những gì Chung có thể, tin rằng, mẹ Chung sẽ rất vui và hạnh phúc với quyết định này” - nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung nói.
Ngay sau thông báo của Nguyễn Văn Chung trên trang cá nhân, nhiều lời bình, ý kiến bày tỏ sự mến mộ đối với hành động của người nhạc sĩ tài hoa này. Các ý kiến cho rằng, đây là một việc làm ý nghĩa, mang giá trị nhân văn và tính cộng đồng lớn lao. Cho đi là còn mãi, cảm ơn nhạc sỹ vì hành động đẹp.
Viết tiếp triệu điều yêu thương
Nguyễn Văn Chung được biết đến không chỉ là tác giả của nhiều bài hát về tình yêu, mà anh còn nổi tiếng khi sáng tác rất nhiều ca khúc thiếu nhi. Đặc biệt, trong suốt 8 năm (2012 - 2020), anh tập trung sáng tác 300 ca khúc dành cho thiếu nhi, trong đó, nhiều bài anh lấy cảm hứng từ hai con của anh, như "Gia đình nhỏ hạnh phúc to", "Mẹ ơi có biết".
![]() |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ tặng quyển sách nhạc 300 bài hát thiếu nhi trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình |
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho hay, ý tưởng ban đầu của anh khi viết 300 bài hát thiếu nhi là muốn xây dựng một khu vườn âm nhạc mới cho thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Vì rất lâu rồi, thiếu nhi Việt Nam không có những bài hát mới, không có những chương trình ca nhạc thiếu nhi đúng nghĩa, cũng không có nhiều sân chơi thiếu nhi. Anh cho rằng, đây là sự thiếu hụt rất lớn.
“Một bài hát thiếu nhi là một hạt mầm rất quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn các con, gu thẩm mỹ, nét đẹp âm nhạc, nét đẹp tiếng Việt, quan điểm sống tích cực, tình yêu thương gia đình. Tôi đã thành công với vai trò nhạc sĩ qua mảng đề tài tình yêu và gia đình, vì thế, đây là lúc để trao đi, để cống hiến cho xứng đáng trách nhiệm một người nghệ sĩ" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay.
Bộc bạch thêm, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khoảng thời gian anh theo đuổi con đường sáng tác ca khúc thiếu nhi khá đơn độc. Nhưng anh vẫn kiên trì, vì tin rằng, âm nhạc là con đường ngắn nhất để chạm vào tâm hồn trẻ thơ. Hôm nay, anh như được tiếp thêm động lực để sáng tác, cống hiên khi nhà nước đang hết sức quan tâm và có những cải cách, quyết sách mạnh mẽ về giáo dục, trong đó có giáo dục âm nhạc thiếu nhi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bắt đầu nghiệp sáng tác đầu thập niên 2000. Các tác phẩm của anh liên tiếp tạo các hit. Năm 2005, anh viết “Vầng trăng khóc”, giúp đôi song ca Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc trở thành hiện tượng.
Nhiều bài hát của anh là nhạc phẩm "đóng đinh" trong sự nghiệp ca sĩ, như Cao Thái Sơn (Con đường mưa), Khánh Phương (Chiếc khăn gió ấm), Akira Phan (Mùa đông không lạnh), Nam Cường (Bay giữa Ngân Hà), Bảo Thy - Quang Vinh (Ngôi nhà hoa hồng), Hiền Thục (Nhật ký của mẹ).
Mới đây, bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gây sốt mạng xã hội, với hơn 3 tỷ view trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dư âm từ đại lễ, ca khúc này tiếp tục được lan tỏa, yêu mến ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, không giới hạn vị trí xã hội. Đó là niềm tự hào lớn nhất trong suốt hơn 23 năm theo đuổi sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. |