A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ trường Tiểu học Hoàng Liệt chuyển học sinh để lên chuẩn quốc gia: Đừng bỏ rơi học sinh chỉ vì thành tích!

Để đảm bảo việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025, trường Tiểu học Hoàng Liệt đã chuyển hàng trăm học sinh đi “nơi khác”. Nhận định về sự việc, nhiều chuyên gia cho rằng nhà trường đang bỏ rơi học sinh để chạy theo “bệnh thành tích”.

Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

“Bỏ rơi” học sinh để đạt chuẩn

Trước đó (ngày 16/6), Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có ban hành thông báo với nội dung: "Căn cứ vào thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường tiểu học, căn cứ vào kế hoạch của UBND quận Hoàng Mai về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao giai đoạn 2021-2025…

Để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, được sự chỉ đạo của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023, nhà trường xin thông báo toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khu vực toàn chung cư HH3 (HH3A, HH3B, HH3C - khu đô thị Linh Đàm) được phân tuyến sang trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt".

Theo thông báo này, hơn 300 học sinh đang theo học tại trường Tiểu học Hoàng Liệt sẽ phải chuyển sang trường khác trong năm 2022 - 2023 để nhà trường đủ điều kiện được công nhận chuẩn quốc gia. Quyết định này của trường Tiểu học Hoàng Liệt đã “vấp” phải không ít phản đối từ dư luận và từ chính phụ huynh của hàng trăm học sinh phải chuyển trường.

Trước tình hình này, sáng ngày 27/6, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt đã ký quyết định "tạm dừng việc phân tuyến học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 năm học 2022 - 2023 khu vực 3 toàn nhà chung cư HH3A, B, C sang Trường Tiểu học Chu Văn An. Cùng với đó, nhà trường sẽ họp lấy ý kiến phụ huynh học sinh về việc không phân tuyến học sinh".

Đừng dung túng cho bệnh thành tích

Liên quan đến sự việc nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trường học phải như một gia đình thứ 2, thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của học sinh vậy. Đó mới là trường học mà cả nền giáo dục nước ta hướng đến khi xây dựng. Điều này ai cũng hiểu, ai cũng biết và thừa nhận, thế nhưng, làm gì có cha mẹ nào bỏ rơi con mình, làm gì có cha mẹ nào vì thành tích mà đẩy con đi nơi khác. Chưa nói đến điều gì cao siêu thì việc đẩy học sinh đi nơi khác xét là trái với đạo đức nghề giáo, trái với môi trường “tiên học lễ, hậu học văn”, Tiến sĩ Nga nhấn mạnh.

Cùng quan điểm nêu trên, Luật sư Nguyễn Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà cho rằng, hành động này của nhà trường chính là đang chạy theo bệnh thành tích. Bao nhiêu năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn chỉ đạo không chạy theo bệnh thành tích, sau bao lỗ lực, bao cố gắng của cả hệ thống chính trị, đến nay, một ngôi trường nơi giáo dục con người ở giữa thủ đô Hà Nội chỉ vì lên chuẩn quốc gia mà đẩy học sinh đi nơi khác là không thể chấp nhận được.

“Lên chuẩn làm gì, đạt chuẩn làm gì khi học sinh của chính mình lại bị bỏ rơi. Trường con mình đang theo học được đạt chuẩn quốc gia, phụ huynh đáng lẽ nên vui mừng vì ngôi trường mà con mình đang theo học ngày càng được nâng cao về nhiều mặt thì nay lại bất an, thậm chí mất ăn, mất ngủ vì không biết con có được đến học hay không…, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà nói.

Cũng theo Luật sư Tú, sự việc hi hữu này nếu không giải quyết thấu đáo thì có thể sẽ trở thành một tiền lệ xấu của bệnh thành tích trong giáo dục. Bởi lẽ, cứ trường học cứ xây dựng đạt chuẩn quốc gia là học sinh lại có nguy cơ bị “bỏ rơi” thì thật đáng nguy cho nền giáo dục nước nhà.

Mặt khác, tại thông báo của trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng nêu rõ: “được sự chỉ đạo của UBND phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai”, vì vậy, cũng không thể không xét trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo, của UBND quận Hoàng Mai trong sự việc này. Nếu cần, phải xử lý nghiêm, truy trách nhiệm đến cùng để mang tính răn đe, ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.

Khoản 1, điều 3, Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật