Tin quảng cáo, sập bẫy 'vẽ bệnh' phòng khám có bác sĩ nước ngoài
Lên bàn phẫu thuật mới được báo giá; bị chỉ định cắt bao quy đầu với giá chục triệu đồng nhưng đến khi đi khám lại tại Bệnh viện Bình Dân thì không mắc bệnh gì... - nhiều bệnh nhân sập bẫy khi tin những lời quảng cáo của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đi kiểm tra cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài. Ảnh: Hương Sơn
Nhờ công an vào cuộc, phòng khám mới hoàn trả số tiền gần 8 triệu đồng...
Anh Nguyễn Thanh Nam (22 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) chân ướt, chân ráo lên TPHCM làm việc được 2 tháng. Thời gian ở đây, anh Nam cảm giác đi tiểu bí, rát, nhưng ngại đến bệnh viện. Để khám nhanh, anh Nam lên mạng tìm kiếm, ngày hôm sau đến phòng khám nằm tại quận 10, TPHCM.
Theo anh Nam chia sẻ, lúc đầu anh được hướng dẫn và đóng 500.000 đồng tiền khám, không có hóa đơn, hay chứng từ gì. Sau đó, anh được một nhân viên ở đây dắt lên lầu 3 để gặp bác sĩ, tại đây bác sĩ cho lấy máu làm xét nghiệm. Khoảng 30 phút sau, bác sĩ dắt anh vào một phòng khám, nói anh bị viêm bao quy đầu, cần phải tiểu phẫu nếu không bệnh sẽ nặng hơn.
"Tôi cảm thấy hoang mang, vì lúc tôi được tư vấn là đã nằm trên bàn phẫu thuật rồi. Bác sĩ có nói tôi gọi điện về cho gia đình để nói chuyện, bố mẹ tôi thấy con bị bệnh vậy nên vội vàng đồng ý số tiền 10 triệu đồng phẫu thuật. Sau đó, vì là ngày thứ 7 nên bố mẹ tôi không gửi tiền lên được. Họ liên tục truyền nước cho tôi trong lúc đợi người nhà tìm cách chuyển tiền lên. Thậm chí, lúc đi tiểu vẫn có nhân viên đi theo phòng tôi bỏ trốn".
Sau sự việc đó, anh Nam mất tổng 11.000.000 đồng và quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để khám lại. Tại đây, bác sĩ cho biết, anh Nam do ăn uống không tốt, nóng trong người nên có triệu chứng tiểu rá, buốt, hoàn toàn không bị viêm bao quy đầu như phòng khám trên chia sẻ.
Chị T.Y (24 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng gặp chuyện "éo le": Chị bị ra huyết trắng. Thấy tình trạng ngày càng nặng, chị đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám và thực hiện siêu âm, xét nghiệm, chị được chẩn đoán nấm âm đạo có khả năng vô sinh và nhiễm bệnh xã hội vì quan hệ tình dục. Để điều trị chị phải đóng 10 triệu đồng.
"Sau khi nghe tư vấn, tôi không đồng ý điều trị vì không mang đủ tiền. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cố gắng thuyết phục tôi bằng nhiều cách, như bệnh nghiêm trọng phải chữa ngay; nếu ra ngoài khám lại thì mất tiền xét nghiệm, siêu âm rất tốn kém; mượn tiền người thân, bạn bè. Lúc này tâm lý đang hoang mang nên tôi đồng ý. Sau đó, họ truyền dịch và chỉ rửa âm đạo" - chị Y kể.
Gian nan hành trình "dẹp loạn" phòng khám moi tiền người dân
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài (vốn nước ngoài hoặc nhân sự nước ngoài tham gia khám chữa bệnh) với 120 bác sĩ là người nước ngoài.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều phòng khám không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Khi ngành y tế kiểm tra các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau như: Để người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... cứ thường xuyên lặp đi lặp lại. Có nơi còn quảng cáo lập lờ danh nghĩa của các bệnh viện chuyên khoa lớn như: Từ Dũ, Hùng Vương... nhằm lôi kéo người bệnh.
Dù Thanh tra Sở Y tế TP đã ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất (có phòng khám bị phạt 315 triệu đồng) và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng các phòng khám này vẫn không sợ. Một thực tế cho thấy, hiện nay không ít phòng khám lợi dụng việc cấp phép kinh doanh hiện nay rất nhanh, sẵn sàng giải thể công ty đã đăng ký thành lập (thực tế đang bị xử lý vi phạm), mở một công ty mới với pháp nhân mới, thay đổi luôn cả tên phòng khám nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí ban đầu. Về pháp lý, họ không sai bởi luật chưa có quy định. Rõ ràng chúng ta cần rà soát, sửa đổi cho chặt chẽ hơn.
Trong một cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM diễn ra vào ngày 7.10.2022 về bổ sung và góp ý sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh sắp tới, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết, hiện nay có tình trạng thẩm định quyền cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép đối với những cơ sở khám chữa bệnh, ai cấp thì đơn vị đó thu. Ví dụ, Sở Y tế TPHCM cấp thì đơn vị này thu lại giấy phép hoạt động, Bộ Y tế cấp thì Bộ Y tế thu lại.
Tuy nhiên, cũng theo TS Diễm Tuyến, TPHCM là một trong những thành phố lớn, có nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở y tế do Bộ Y tế cấp, mà Bộ Y tế khá xa nên việc giám sát, ngăn chặn được các cơ sở y tế vi phạm chưa sát sao được. Đặc biệt là các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể nhiều phòng khám có bác sĩ người nước ngoài hiện nay vẫn đang lợi dụng kẽ hở này của luật để gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của nhân dân.
* Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 16 đến 22.12 đối với 5 bác sĩ, 3 phòng khám đa khoa và 1 bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM, trong đó có bác sĩ người nước ngoài hành nghề. * Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký quyết định ban hành quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ảnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế. Thông tin liên quan đến cơ sở khám, chữa bệnh có "vẽ bệnh moi tiền người bệnh", người dân liên hệ qua đường dây nóng dành riêng số 0989.401.155 hoặc qua số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế TPHCM: 0967.771.010. |