Nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em về tội phạm mua bán người
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, mua bán người luôn là vấn đề “nóng”, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Mặc dù nạn nhân của mua bán người có thể là bất cứ ai, nhưng một thực tế là phụ nữ và trẻ em gái luôn chiếm đa số. Báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công an cho biết: Từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó xác định 7.962 người là nạn nhân (phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 90%).
Hiện nay, Luật Phòng, chống mua bán người đang trong quá trình sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được đưa vào thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thấy, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã có nhiều tiếp thu sửa đổi, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề giới cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và hoàn thiện tại dự thảo.
Nêu kiến nghị tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết: “Khoản 10 Điều 3 quy định cấm “kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Đây là quy định tiến bộ, nhân văn, tuy nhiên để có tính toàn diện, bao quát hơn, tôi đề xuất điều chỉnh quy định tại khoản 10 Điều 3 dự thảo Luật theo hướng: “Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới hoặc bất kỳ lý do nào khác đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của nạn nhân, người thân thích của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân””.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho rằng, trong Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về tội phạm mua bán người. “Tôi cho rằng chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em là bó hẹp phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội LHPN. Tôi đề xuất bổ sung thêm từ “cộng đồng”, đầy đủ sẽ là “Hội LHPN Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, cộng đồng về tội phạm mua bán người””, ông Oanh nói.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) phát biểu tại Hội nghị. |
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, tại Điều 53 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam được giao “Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình” (khoản 4). Như vậy, trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình Hội đã tham gia với vai trò chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Do đó, việc bổ sung trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam về vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác, đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói chung.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá cao và đồng tình với các chuyên gia, nhà khoa học. Trước mắt, Hội LHPN Việt Nam sẽ hoàn thiện văn bản soạn thảo để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm và nghiên cứu từ các chuyên gia để dự án Luật không chỉ được thông qua mà còn áp dụng hiệu quả nhất trong thực tiễn.