Thoát nghèo bền vững từ Chương trình Mục tiêu quốc gia
Kiên Giang - Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Gò Quao đã được hỗ trợ phát triển nhiều loại hình sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã được hỗ trợ phát triển nhiều loại hình sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ gia đình chị Lương Bạch Tuyết, ngụ ấp Phước Thọ, xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao là một ví dụ điển hình. Lập gia đình được nhiều năm, bản thân chị Tuyết chỉ ở nhà nội trợ. Chồng chị là anh Trần Văn Được vốn có nghề thợ mộc gia truyền.
Với số vốn ít ỏi tiết kiệm được, vợ chồng mở xưởng mộc nhỏ làm tại nhà cha mẹ vợ. Xưởng mộc chủ yếu làm thủ công, vì chưa có máy móc hỗ trợ, sản phẩm làm ra vừa tốn nhiều công sức, vừa mất nhiều thời gian, chi phí, nên lợi nhuận không cao. Chị Tuyết đã tìm đến Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Phước B và được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chị Tuyết chia sẻ: “Do không có vốn mua máy móc thiết bị phục vụ nghề nên sản phẩm làm ra ít, lợi nhuận không cao. Từ khi được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, chúng tôi mua máy xẻ gỗ giúp công việc làm mộc của vợ chồng tôi thuận lợi hơn, ăn nên làm ra và có tích lũy, vươn lên phát triển kinh tế gia đình”.
Anh Được (chồng chị Tuyết) bày tỏ: “Từ ngày mua được máy xẻ gỗ tự động, công việc làm mộc của vợ chồng tôi đỡ nhọc nhằn hơn. Trước đây phải vận chuyển cây ra thị trấn của huyện thuê xẻ gỗ, tốn rất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển đi, về. Giờ có máy xẻ gỗ tiết kiệm được gần một nửa chi phí, sản phẩm làm ra được nhiều hơn trước, lợi nhuận cũng được tăng hơn trước nhiều. Tôi rất vui mừng, sẽ cố gắng làm ăn để mở rộng hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Chúc Ly - Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Phước B - cho hay: Nhờ hỗ trợ vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được ủy thác qua Hội LHPN Phụ nữ xã Vĩnh Phước B đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo. Như gia đình anh Được số tiền ban đầu mở xưởng mộc khoảng hơn 100 triệu đồng, đến nay nguồn vốn đầu tư xưởng mộc đã tăng gần 500 triệu đồng.
“Gia đình anh Được chị Tuyết là hộ đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn và chịu khó vươn lên trong cuộc sống. Vợ chồng anh chị đã sử dụng nguồn vốn rất hiệu quả giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá”, bà Ly nói.
"Xã Vĩnh Phước B, huyện Gò Quao có gần 50% bà con là đồng bào dân tộc Khmer, đa số bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông. Đặc thù vùng nông thôn, phần đông hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ít ruộng đất canh tác, sản xuất, thêm vào đó, trình độ học vấn cũng không cao nên việc tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định cũng hạn chế", bà Ly thông tin thêm.
Hiện tại không chỉ gia đình anh Được có nguồn thu nhập khá ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tính đến hết tháng 9.2024, qua thực hiện chương trình tín dụng cho vay theo Nghị định 28, huyện Gò Quao có 30 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn, với tổng dư nợ trên 1,1 tỉ đồng.