Tiếp sức để cho người dân huyện Lắk không còn tái nghèo
Đắk Lắk - Chính quyền huyện Lắk đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm ngăn chặn tình trạng tái nghèo, bảo đảm đời sống bền vững cho người dân.
Tập trung phát triển hạ tầng
Theo ông Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, toàn huyện có hơn 19.000 hộ dân với trên 78.254 khẩu.
Thống kê chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 5.539 hộ nghèo với 24.065 khẩu. Tổng số hộ cận nghèo là 3.163 hộ với 13.276 khẩu.
Đa phần số hộ nghèo, cận nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có ít đất đai sản xuất, thu nhập bấp bênh, không có công ăn việc làm ổn định.
Để giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, huyện Lắk tổ chức lồng ghép, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Liên quan đến việc này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lắk đã tổ chức dạy nghề cho nhiều lao động nông thôn, miền núi. Theo đó, năm 2021 mở 1 lớp nghề đào tạo cho 32 học viên; năm 2022 đã mở 9 lớp với 310 học viên; 6 tháng đầu năm 2023 mở 8 lớp tập huấn cho 195 học viên.
Các lớp nghề như điện xây dựng dân dụng, chăn nuôi, trồng và chăm sóc cà phê, lớp kỹ thuật nấu ăn đã thu hút đông đảo học viên đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo viên, người lao động có thêm hiểu biết, mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân.
Huyện Lắk còn phối hợp với các công ty trong và ngoài tỉnh tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm tại 11 xã, thị trấn, hỗ trợ xuất khẩu lao động cho 33 người, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cốt cán xã, thôn, buôn cũng được huyện quan tâm chỉ đạo. Từ đó, cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ người dân làm ăn, vực dậy ý thức phát triển kinh tế.
Đặc biệt, từ nhiều năm qua, UBND huyện Lắk luôn quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Nhờ có hệ thống đường sá đồng bộ nên hoạt động giao thương, vận chuyển nông sản, năng lực sản xuất của người dân được nâng cao.
Đến nay, 90% số xã ở huyện Lắk có đường ôtô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. 70% số thôn, buôn đã có trục đường giao thôn cứng hóa...
Huyện Lắk đang nỗ lực trong xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng đến 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm của người dân.
Quyết tâm không để người dân tái nghèo
Bên rẫy cà phê xanh mướt, chị H’Niêm Liêng (trú tại huyện Lắk) chia sẻ: “Nhờ nguồn nước hồ đập chảy về và học hỏi kỹ thuật chăm sóc cà phê, gia đình mình cải tạo vườn tạp để tăng năng suất cà phê, hoa màu".
Đất có nước trở nên màu mỡ, cây cà phê cho năng suất cao, giá thị trường tốt như năm nay nên ổn định đời sống cho nhiều hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lắk - đánh giá, chương trình mục tiêu quốc gia đã phủ sóng lên toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Hạ tầng giao thông, chính sách an sinh xã hội đến với từng hộ dân, từng đối tượng nghèo, khó khăn để vực họ ra khỏi hủ tục lạc hậu, canh tác nông nghiệp yếu kém, trì trệ.
Theo ông Chiến, đào tạo nghề vẫn là "chiến lược" chính để giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập. Rõ ràng, có tay nghề, có trình độ thì bao giờ người lao động cũng được thuê với mức giá tốt, đồng lương hấp dẫn hơn.
Huyện quyết tâm không để một bộ phận người dân tái nghèo. Trong đó, chủ yếu do nguyên nhân khách quan như khí hậu biến đổi làm ảnh hưởng năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm thu hoạch.