A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có nơi giữ trẻ, công nhân an tâm làm việc

Trên cơ sở phát huy thế mạnh sẵn có và tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) gửi con đến trường, Công đoàn TP Cần Thơ tiếp tục khảo sát, nắm tình hình và đề xuất, kiến nghị lên cấp trên về việc xây dựng, nâng cấp trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ gần hoặc trong khu công nghiệp (KCN) để công nhân an tâm sản xuất.

Có nơi giữ trẻ, công nhân an tâm làm việc

Hoạt động vui chơi cho con công nhân tại Nhóm trẻ Vườn tuổi thơ. Ảnh: Phong Linh

Công nhân nhẹ nỗi lo

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (trụ sở chính tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong số ít công ty tại Cần Thơ đầu tư xây dựng nơi giữ trẻ cho con NLĐ. Nhà trẻ mang tên “Vườn tuổi thơ” rộng khoảng 600m2, khang trang, sạch sẽ, có đủ nhân lực và hoạt động như một cơ sở độc lập.

Bà Lê Thị Hoàng Trang (Chủ nhóm trẻ) cho biết, nhà trẻ được thành lập vào năm 2011 với số lượng mỗi năm trên dưới 50 bé. Trải qua hơn 13 năm hoạt động, đã có hơn 600 đứa trẻ được gửi gắm và yêu thương. Các chi phí như điện, nước, tiền lương, thưởng cho cô giáo… đều là công ty chi trả. Đối với những ngày lễ, công đoàn sẽ hỗ trợ quà cho các bé. “Phụ huynh gửi con ở đây không phải đóng tiền học phí, chỉ đóng tiền ăn với 30.000 đồng/bé/ngày (trẻ dưới 12 tháng được miễn tiền ăn). Về sinh hoạt, các bé được giáo dục theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)” - bà Trang cho biết.

Có hai con sinh đôi đang gửi tại đây, anh Danh Bé Năm (Phụ trách thị trường xuất khẩu) cho biết: “Tôi rất yên tâm về giờ giấc để đi làm, nhất là chi phí của 2 con phù hợp, gia đình mình nhẹ lo rất nhiều”.

Theo ông Võ Hồng Lam - Trưởng phòng GDĐT quận Ninh Kiều, mô hình này được công ty thực hiện nhiều năm, rất hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nhu cầu gửi con cho nữ CNLĐ, phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn trong chăm lo đời sống, tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm làm việc.

“Việc xây dựng nhóm trẻ cũng góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ trên địa bàn quận đến trường, giảm áp lực cho 1 trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn phường” - ông Lam cho hay.

Còn tại quận Thốt Nốt, hiện tại đối diện KCN Thốt Nốt có trường Mẫu giáo Thới Thuận 1, giúp cho CNLĐ dễ dàng gửi trẻ. CNLĐ ở huyện lân cận đến làm việc tại KCN này khi có nhu cầu gửi con ở trường cũng được LĐLĐ quận hỗ trợ, giải quyết.

“Trước đó, chúng tôi đã kịp thời phối hợp với phòng GDĐT quận, chính quyền địa phương hỗ trợ 2 trường hợp NLĐ từ huyện khác muốn gửi con tại trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng CĐCS các công ty nắm tình hình, nếu có những trường hợp tương tự thì hỗ trợ ngay” - bà Phạm Kim Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ quận Thốt Nốt - cho biết.

Tiếp tục đề xuất, kiến nghị

Trao đổi với Lao Động, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - thông tin, hiện công ty có khoảng 2.800 cán bộ, nhân viên, NLĐ. Qua khảo sát, hầu hết NLĐ hài lòng khi gửi con tại nhóm trẻ của công ty. “Chúng tôi mừng khi ngày qua ngày tạo được lòng tin với CNLĐ. Công ty có kế hoạch sửa chữa lại nhà trẻ với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng giúp các bé được vui chơi, học tập trong môi trường tốt hơn” - ông Hùng nói.

Về phía KCN Thốt Nốt, nếu nhu cầu lớn, LĐLĐ quận sẽ đề xuất, kiến nghị địa phương có giải pháp phù hợp như tăng nguồn lực giáo viên, phòng, lớp nhằm đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của đoàn viên (ĐV), CNLĐ.

Bà Lê Thanh Thúy - Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Cần Thơ - nhìn nhận, bên cạnh những cách làm, mô hình hay tại công ty, địa phương khác trên địa bàn thành phố, hiện KCN Trà Nóc vẫn chưa có trường mầm non, nhà gửi trẻ trong khi nhu cầu của CNLĐ rất cao.

“Chúng tôi tích cực hỗ trợ ĐV-CNLĐ có con nhỏ thông qua việc hướng dẫn CĐCS thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Một số CĐCS hỗ trợ ĐV-NLĐ tiền nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đi học 500.000 đồng/tháng. Công đoàn tiếp tục khảo sát, nắm tình hình và đề xuất, kiến nghị lên cấp trên về việc xây dựng trường học, nhà gửi trẻ trong KCN” - bà Thúy nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật