A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện tìm cách cân đối thu chi đảm bảo tăng lương cho nhân viên y tế

Quốc hội thống nhất giao Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%). Bảng lương viên chức y tế từ 1.7.2024 chính thức tăng. Các cơ sở y tế đang tìm cách cân đối thu chi đảm bảo tăng lương cho nhân viên y tế.

Bệnh viện tìm cách cân đối thu chi đảm bảo tăng lương cho nhân viên y tế

Các bệnh viện tìm cách cân đối nguồn thu - chi để tăng lương, giữ chân nhân viên y tế. Ảnh: Bộ Y tế

Bảng lương mới của bác sĩ từ ngày 1.7.2024 (công lập)

Bảng lương mới của bác sĩ từ ngày 1.7.2024 làm việc trong các cơ sở y tế công lập sẽ như sau:

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A3 (nhóm A3.1), từ hệ số lương từ 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương từ 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Các bảng lương nêu trên chưa bao gồm các khoản phụ cấp có liên quan.

Các cơ sở y tế trích lập tỉ lệ từ nguồn thu để tăng lương cho người lao động ra sao?

Với các đơn vị sự nghiệp tự chủ, việc tăng lương cơ sở từ 1.7 đặt ra bài toán với người đứng đầu trong việc làm sao để đảm bảo thu - chi, có nguồn để tăng lương cho cán bộ, nhân viên. Với các bệnh viện, giá viện phí hiện nay vẫn có 4/7 yếu tố từ 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi. Đây là một trong những lý do khiến các cơ sở y tế còn khó khăn trong công tác thu chi.

TS.BS Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, khó khăn chung của các đơn vị tự chủ chi thường xuyên là việc cân đối thu - chi sau khi lương cơ sở tăng. Các bệnh viện cần phải cải thiện nguồn thu, nhưng hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng băn khoăn, hiện một tỉ lệ lớn bệnh viện cả nước thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Nếu lương tăng thì các khoản phụ cấp, thưởng có thể sẽ giảm đi. Giá viện phí hiện nay vẫn tính 4/7 yếu tố. Trên thực tế còn nhiều thứ chi tiêu chưa có trong cơ cấu viện phí. Nếu được tính viện phí theo hướng tính đúng tính đủ, bảo hiểm y tế nhiều mệnh giá và nhiều mức chi trả, có như vậy mới tăng được lương thực sự cho nhân viên y tế.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng, tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực, cố gắng của nhà nước. Với ngành y tế, thực hiện cải cách tiền lương tương thích với những đặc thù về yêu cầu đào tạo, đào tạo liên tục, học tập suốt đời và làm việc cường độ cao, áp lực lớn, trách nhiệm nặng nề trong môi trường làm việc độc hại, nghề nghiệp nhiều rủi ro, tai biến y khoa và điều kiện làm việc còn nhiều bất cập.

Cũng theo TS Phạm Thanh Bình, hiện giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố. Chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế không kịp điều chỉnh theo kịp. Vì thế cần sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ có thể đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để trả lương theo mức điều chỉnh mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan