A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý do nhiều bệnh nhân ở TPHCM vẫn chỉ được kê thuốc không vượt quá 30 ngày

TPHCM - Sau hơn 2 tuần triển khai Thông tư 26 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ ngày 1.7, nhiều người dân vẫn thắc mắc vì không được kê đơn thuốc vượt quá 30 ngày.

Lý do nhiều bệnh nhân ở TPHCM vẫn chỉ được kê thuốc không vượt quá 30 ngày

Nhiều bệnh nhân vẫn chưa nhận được thuốc kê đơn dài ngày. Ảnh: Nguyễn Ly

Bà N.T.L (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, bà bị tăng huyết áp, kèm thoái hóa cột sống và loãng xương. Mỗi lần đi khám, bà đều gặp khó khăn trong di chuyển. Nghe tin được kê thuốc 3 tháng, bà rất phấn khởi. Tuy nhiên, trong lần khám mới đây, bác sĩ vẫn chỉ kê thuốc 28 ngày mà không giải thích cụ thể. “Tôi hỏi thì bác sĩ chỉ nói là chưa được, nên tôi cũng không rõ vì sao”, bà L. chia sẻ.

Ghi nhận tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định hay Bệnh viện Thống Nhất, phóng viên nhận thấy việc kê đơn dài hạn cho bệnh nhân chưa thực hiện đồng loạt. Nhiều bác sĩ cho biết họ vẫn đang cân nhắc áp dụng vì nhiều lý do, từ chuyên môn đến điều kiện kê đơn theo quy định của Bộ Y tế.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - khẳng định bệnh viện đã triển khai đầy đủ các văn bản mới của Bộ Y tế, trong đó có Thông tư 26. Tuy nhiên, thời hạn kê đơn còn phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi. “Chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt là đã có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Vì vậy, không phải ai cũng phù hợp với đơn thuốc 3 tháng", ông nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, về mặt quản lý, việc kéo dài đơn thuốc là cần thiết để giảm số lượt tái khám và chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, muốn triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ và bệnh nhân. “Nếu người bệnh ổn định, hoàn toàn có thể kê dài ngày", ông nói.

BS.CK1 Bùi Đức Vượng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Việt - lưu ý rằng, không phải tất cả bệnh đều được phép kê thuốc 90 ngày. “Thông tư 26 chỉ áp dụng với 252 bệnh mạn tính đã được Bộ Y tế liệt kê. Một số người dân hiểu nhầm rằng bất kỳ bệnh nào cũng được hưởng chính sách này, gây áp lực lớn cho bác sĩ trong khâu giải thích và thực hiện đúng quy định", bác sĩ Vượng nói.

Cùng quan điểm, BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, việc đánh giá điều kiện để kê đơn dài hạn phải dựa trên nhiều yếu tố: mức độ ổn định của bệnh, khả năng tuân thủ điều trị và nguy cơ biến chứng. Đồng thời, hệ thống kho dược và phần mềm quản lý thuốc cũng cần thời gian để đồng bộ nếu muốn phát thuốc theo chu kỳ 3 tháng.

Để từng bước triển khai hiệu quả, một số bệnh viện đã chủ động sàng lọc bệnh nhân đủ điều kiện, phối hợp với y tế cơ sở và đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu đúng chính sách, tránh hiểu lầm và kỳ vọng sai lệch.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, để triển khai hiệu quả, các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn chuyên môn nội bộ, thống nhất quy trình kê đơn cấp thuốc theo dõi tái khám. Đồng thời, tăng cường truyền thông đến người bệnh, giúp người dân, hiểu đúng về việc được kê đơn 2-3 tháng thuốc bảo hiểm y tế đối với bệnh mạn tính, không phải "cấp phát tùy ý". Nắm rõ quyền lợi bảo hiểm y tế và thời điểm phù hợp để tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, hạn chế tình trạng người bệnh tái khám nhiều lần không cần thiết, góp phần giảm tải bệnh viện và tiết kiệm chi phí điều trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật