A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thẩm mỹ viện trái phép tràn lan, cạnh tranh với cơ sở làm đẹp chính thống

Việc hành nghề khám chữa bệnh, các cơ sở thẩm mỹ, nha khoa không phép diễn ra phổ biến, báo chí liên tục phản ánh các hành vi sai phạm, thế nhưng việc xử lý tại các địa phương dường như lại rất... yếu ớt, lúng túng.

Thẩm mỹ viện trái phép tràn lan, cạnh tranh với cơ sở làm đẹp chính thống

Viện Thẩm mỹ Quốc tế Wonjin hoạt động trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng đã dỡ biển hiệu, đóng cửa, chạy trốn cơ quan chức năng. Ảnh: PV

Liên tiếp phát hiện phòng khám, thẩm mỹ, nha khoa không phép

Mới đây, chỉ trong 1 ngày, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã ban hành 7 văn bản gửi các quận, huyện: Cầu Giấy, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa đề nghị kiểm tra cơ sở hành nghề y hoạt động không phép trên địa bàn.

7 cơ sở khám chữa bệnh không phép này đều bị phát hiện khi có hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép và đăng quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được phê duyệt nội dung quảng cáo. 

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội mới đây cũng đã đình chỉ Phòng khám đa khoa Thiện Hòa (số 73 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy) do có đến 5 hành vi vi phạm, trong đó đáng chú ý là sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Hay mới đây nhất, vụ việc Viện Thẩm mỹ Quốc tế Wonjin (93 Tô Hiệu- Nghĩa Đô- Cầu Giấy- Hà Nội) hoạt động trái phép, có nhiều dấu hiệu lừa đảo khách hàng đã bị bóc mẽ bởi loạt bài của Báo Lao Động. Cơ sở này đã nhanh chóng gỡ biển, đóng cửa, chạy trốn theo đúng nghĩa đen, thậm chí "chống lại" cả sự triệu tập của cơ quan chức năng.

Việc hành nghề khám chữa bệnh không phép diễn ra phổ biến như vậy, báo chí liên tục phản ánh các hành vi sai phạm, thế nhưng, việc xử lý tại các địa phương dường như lại rất... yếu ớt, lúng túng.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở hành nghề không phép, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng tải quảng cáo trên mạng internet chưa được cấp phép, xử lý nghiêm theo quy định.

Nhu cầu khám chữa bệnh, làm đẹp của người dân là vô cùng chính đáng. Thế nhưng, việc tin tưởng vào các cơ sở thẩm mỹ, nha khoa, phòng khám không phép đã biến người dân thành những nạn nhân "tiền mất tật mang", thậm chí, nhiều người phải nhập viện điều trị với những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Các cơ sở khám chữa bệnh, thẩm mỹ, nha khoa không phép mọc lên tràn lan, hoạt động ngang nhiên như vậy, trực tiếp "cạnh tranh" với các cơ sở chính thống bằng quảng cáo "nổ", quảng cáo "bẩn", sử dụng đủ các chiêu trò để thu hút, dụ dỗ, thậm chí lừa đảo khách hàng. Không ít người dân đã bị "lừa" vào các cơ sở không phép này.

Bệnh nhân bị biến chứng bởi phương pháp nâng ngực xâm lấn tại cơ sở thẩm mỹ Wonjin không phép. Ảnh: Phóng viên

Bệnh nhân bị biến chứng bởi phương pháp nâng ngực xâm lấn tại cơ sở thẩm mỹ Wonjin không phép. Ảnh: PV

Quán cắt tóc gội đầu cũng làm thẩm mỹ thì thật sự đáng sợ!

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, có nhiều thủ thuật làm đẹp, kể cả được thực hiện trong bệnh viện thì những khoa, phòng không đúng chuyên môn, bác sĩ không có chứng chỉ cũng không được can thiệp cho bệnh nhân.

"Vậy mà nhiều spa, thậm chí cả quán cắt tóc gội đầu, massage cũng thực hiện dịch vụ thẩm mỹ như thu hẹp âm đạo hay làm hồng nhũ hoa, tiêm filler, botox, lột da sinh học... thì thật sự đáng sợ", bác sĩ thẩm mỹ tại một bệnh viện tuyến trung ương thốt lên.

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, người dân hiện nay tiếp cận nhiều thông tin làm đẹp qua các kênh, nhưng nếu chỉ tiếp nhận thông tin mà không được tư vấn, giải thích đúng bởi các bác sĩ chuyên ngành thì thông tin trở nên lệch lạc.

Theo ông Doanh, có hai nhóm nữ giới có nhu cầu làm đẹp song dễ để lại tai biến. Một là nhóm bạn trẻ tuổi mới lớn tự tìm hiểu và mua trên mạng các sản phẩm kèm hướng dẫn sử dụng về tự dùng.

Hai là nhóm chị em ngoài 30, 40 tuổi bắt đầu có dấu hiệu lão hóa, lo lắng tìm mọi cách làm đẹp và đến các cơ sở spa, thẩm mỹ viện mà không quan tâm những nơi này có được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hay không. Khi gặp biến chứng, tai biến, họ mới đến bệnh viện để "sửa sai".

Các bác sĩ khuyến cáo khi có nhu cầu thẩm mỹ cần chọn những cơ sở chăm sóc sắc đẹp uy tín, chất lượng, có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản để hạn chế rủi ro cho sức khỏe và sắc đẹp.

Nhiều người đã bị biến chứng sau khi làm đẹp tại những nơi không có chuyên môn như thế này.

BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện E cho biết: Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị biến chứng vì thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ trôi nổi.

"Các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn mà thực hiện tại các cơ sở không phép thì quá nguy hiểm, những biến chứng xảy ra có thể lường trước được. Tuy nhiên, do không được đào tạo, không có chuyên môn tay nghề nên nhân viên spa hay các thẩm mỹ viện không phép không thể xử lý, cấp cứu, thậm chí các bệnh nhân còn đối mặt nguy cơ tử vong"- bác sĩ Minh cảnh báo.

Trước đó, Báo Lao Động đăng tải loạt bài Lật tẩy các chiêu trò của thẩm mỹ viện nâng ngực “không chạm” phản ánh "Viện thẩm mỹ Quốc tế Wonjin" (trụ sở tại 93 Tô Hiệu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, hoạt động trái phép các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.

Tiếp đó, ngày 19.5.2023, Báo Lao Động đăng tải thông tin phản ánh về việc phòng khám Nha khoa Lucia dù không phép hoạt động rầm rộ, bất chấp “lệnh cấm” tại địa chỉ tầng 2, số nhà 35 ngõ 45 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Sau các phản ánh của Báo Lao Động, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan